Phòng, chống thiên tai: Hướng tới những giải pháp khả thi
Các đợt thiên tai khốc liệt và dị thường năm 2020 cho thấy cần có sự nhìn nhận thấu đáo, đầu tư thích đáng hơn nữa vào việc phòng, chống thiên tai để bảo vệ tính mạng nhân dân và tài sản xã hội.
Tình hình thiên tai được đánh giá là ngày càng cực đoan, vượt các mốc lịch sử và có nguy cơ xảy ra ở nhiều vùng miền, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của xã hội.
Bên cạnh đó, sau các đợt thiên tai khốc liệt và dị thường năm 2020 vừa xảy ra, từng cá nhân, cộng đồng và xét rộng ra là trên bình diện cả quốc gia cho thấy cần có sự nhìn nhận thấu đáo cũng như đầu tư thích đáng hơn nữa vào việc phòng, chống thiên tai để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân và tài sản của xã hội; thực hiện đầy đủ, toàn diện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.
Tập trung những nhiệm vụ trọng tâm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của dân sinh, kinh tế xã hội, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó và cứu hộ cứu nạn, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến các địa phương,… một cách bài bản, toàn diện; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.
Cùng với đó, từng cơ quan, đơn vị cần phải nâng cao năng lực cơ quan phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cả về tính chuyên nghiệp và trang thiết bị để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề và cấp bách, bảo vệ xã hội có quy mô ngày càng lớn về dân số và giá trị nền kinh tế.
Trong đó, cần tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp với thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai, bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ, không sợ khó khăn nguy hiểm.
“Các địa phương cần đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai. Cần nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở của nhân dân, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền… trong đó, trước mắt là các công trình xung yếu, đã bị hư hại trong đợt thiên tai vừa qua bằng các nguồn dự phòng ngân sách, đầu tư công trung hạn và các nguồn ODA,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần ứng dụng khoa học-công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt; hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai…
Tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, phát triển lực lượng xung kích cơ sở và “4 tại chỗ” đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện; điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh, kịp thời các hoạt động phòng, chống, phục hồi, tái thiết sau thiên tai cũng như huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; tăng cường giám sát an toàn thiên tai, đánh giá thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại các địa phương thông qua bộ chỉ số.
Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 10 giải pháp sau đó là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng và bổ sung sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn bảo đảm thực hiện đa mục tiêu, gắn với phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó cần xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.
Giải pháp lâu dài là quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Rà soát tất cả các quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.
Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ.
Sửa chữa, nâng cấp và nâng cao mức bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập, đê điều, đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền bảo đảm tránh lũ an toàn gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá, bao gồm cả các khu vực hải đảo. Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ.
Trước mắt cần tiếp tục đầu tư Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt cho 14 tỉnh miền Trung; xây dựng và chuyển giao các mô hình nhà ở của người dân vũng lũ, vùng có nguy cơ sạt lở cao, công trình công cộng (nhà văn hóa, trường học,..,) kết hợp làm nơi tránh trú bão, lũ của nhân dân. Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường.
Giải pháp căn cơ là cần nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp từ Trung ương đến cơ sở. Quán triệt nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phát triển lực lượng xung kích cơ sở đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện.
Chú trọng công tác tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách cho các hoạt động phòng, phòng chống thiên tai, trong đó tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu từ cấp III đến cấp đặc biệt, an toàn đập, sạt lở bờ sông, bờ biển; di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; cần lồng ghép đầu tư công trình phòng chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương.
Ngoài ra, các dự án khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng sau thiên tai và các công trình, dự án trọng điểm về phòng chống thiên tai sử dụng nguồn vốn ODA đề nghị cần được áp dụng cơ chế cấp phát 100% từ ngân sách trung ương (không áp dụng cơ chế vay lại đối với các địa phương).
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, bão lũ với nội dung và hình thức đơn giản, phong phú, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, bằng nhiều ngôn ngữ, phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng đối tượng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương cũng là một giải pháp không thể thiếu.
Nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành
Đối với nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp đề xuất hỗ trợ khẩn cấp và trung hạn của các địa phương vùng ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở đất; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống thiên tai, trong đó có nội dung quy định chi tiết về khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị định về Quỹ phòng chống thiên tai; nghiên cứu, tổng hợp đề xuất của địa phương báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đề xuất điều chỉnh nội dung Quyết định số 37/2019/QĐ-TTgngày 27 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn; tăng cường hệ thống theo dõi giám sát quan trắc chuyên dùng và công trình phòng, chống thiên tai, đê kè, công trình phòng hộ ven biển; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; khẩn trương xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia, sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Các địa phương hoàn thành lắp đặt thiết bị theo dõi giám sát tàu cá, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển; khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, trong đó tập trung vào các loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường mật độ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là quan trắc mưa; nâng cao chất lượng, xây dựng bản đồ tỷ lệ lớn (1/10.000) phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét các tỉnh miền núi Việt Nam, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; xây dựng Chương trình nghiên cứu cơ bản về dự báo, cảnh báo thiên tai; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng cho cứu hộ, cứu nạn trong các điều kiện khắc nghiệt (ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét diện rộng, vùng sâu, vùng xa…); xây dựng, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp để triển khai trong các tỉnh huống thiên tai lớn; sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các vị trí trọng điểm để hỗ trợ các địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Công an cần đầu tư, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện bão mạnh, lũ lớn; chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, lấn chiếm lòng sông, bãi sông; chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông khi xảy ra bão mạnh, lũ lớn; chỉ đạo công an các địa phương bố trí lực lượng công an cấp xã tham gia vào lực lượng xung kích tại cơ sở.
Bộ Giao thông Vận tải cần kiểm tra, rà soát các tuyến đường giao thông gây cản trở thoát lũ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp khắc phục; có giải pháp hạn chế tình hình sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là tại các tuyến đường lớn có nguy cơ sạt lở, các tuyến đường mở mới; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát tại các khu vực thường xuyên bị sat lở, ngập sâu; hướng dẫn chỉ đạo kiểm tra neo đậu, có giải pháp đảm bảo an toàn tàu vận tải, tàu hàng khi có bão, lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông luôn thông suốt khi có sự cố, thiên tai.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với tình huống bão mạnh, lũ lớn; xây dựng, ban hành quy định về việc nhắn tin cho các thuê bao trong vùng ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai lớn; tăng cường hệ thống thông tin tại cơ sở, đảm bảo thông tin đến các khu vực vùng sâu vùng xa, không bị mất liên lạc khi xảy ra thiên tai.
Bộ Công thương cần rà soát quy hoạch thủy điện, đặc biệt là hệ thống các thủy điện nhỏ; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; xây dựng công cụ tính toán, giám sát phục vụ công tác vận hành hồ và cảnh báo lũ cho vùng hạ du; kiểm soát công tác đảm bảo an toàn và việc chấp hành Nghị định 114/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, các quy định về quy trình vận hành liên hồ.
Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh, bão, lụt khu vực miền Trung; xây dựng các mô hình nhà an toàn cho vùng thường xuyên bị ngập sâu do lũ; xây dựng, ban hành hướng dẫn chi tiết các công trình, nhà ở xây dựng bảm bảo an toàn với các cấp gió bão, chống lũ, sạt lở đất, lũ quét. ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm vùng miền và loại hình thiên tai.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần rà soát quy trình hỗ trợ gạo cứu đói, khắc phục nhà ở, đề xuất sửa đổi đảm bảo phù hợp với tình huống cấp bách; đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ về nhà ở tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP theo mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10 năm 2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên.
Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy trình hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn dự trữ quốc gia đảm bảo tính khẩn cấp trong các tình huống thiên tai; ưu tiên bố trí dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020, 2021 và các năm tiếp theo cho khắc phục hậu quả thiên tai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai; huy động các gói ODA hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung: Dự án khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề. Phạm vi 9 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên (vay vốn ADB); Dự án tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển (vay vốn Ngân hàng Thế giới – WB./.
Ý kiến ()