Phòng, chống tham nhũng từ mô hình giám sát cộng đồng
Sân chơi cụm dân cư 3A, phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) được xây dựng theo mô hình giám sát cộng đồng. Tăng cường vai trò giám sát cộng đồng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là mô hình đang được Thanh tra Chính phủ phối hợp các ngành chức năng và địa phương triển khai. Qua mô hình này, người dân có điều kiện tham gia giám sát trực tiếp tại cộng đồng, góp phần tích cực vào công tác PCTN ngay tại cơ sở.Hơn một năm nay, sân chơi cụm dân cư 3A, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trở thành nơi vui chơi, giải trí cho dân cư các tổ dân phố từ số 11 đến số 14 của phường. Đây là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam và được thực hiện theo mô hình người dân tham gia giám sát từ khâu duyệt kinh phí, thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng. Tranh thủ giờ nghỉ giữa hiệp trong trận...
Sân chơi cụm dân cư 3A, phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) được xây dựng theo mô hình giám sát cộng đồng. |
Hơn một năm nay, sân chơi cụm dân cư 3A, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trở thành nơi vui chơi, giải trí cho dân cư các tổ dân phố từ số 11 đến số 14 của phường. Đây là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam và được thực hiện theo mô hình người dân tham gia giám sát từ khâu duyệt kinh phí, thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng. Tranh thủ giờ nghỉ giữa hiệp trong trận thi đấu cầu lông của các cụ trong tổ dân phố, ông Nguyễn Huy Thắng, Tổ trưởng dân phố tổ 14, phường Hạ Đình, thành viên Ban giám sát của phường Hạ Đình giới thiệu với chúng tôi, khu vực này trước đây chỉ là bãi đất rộng hơn 700 m2, nước ngập quanh năm, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Có một số doanh nghiệp dự định đầu tư xây dựng khu dịch vụ tại bãi đất này. Tuy nhiên, người dân trong cụm dân cư đã đề nghị các cấp chính quyền cải tạo thành sân chơi theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp kinh phí, người dân trực tiếp thi công và giám sát chất lượng công trình. Khi dự án được triển khai, dân cư cụm 3A đã thành lập Ban giám sát với các thành viên gồm đại diện cấp ủy, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong cụm. Cùng với việc thành lập Ban giám sát, công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và lợi ích của người dân trong việc cải tạo xây dựng sân chơi được đẩy mạnh thực hiện thông qua hệ thống loa truyền thanh và đội ngũ tuyên truyền viên của cụm dân cư. Chỉ sau gần một tháng triển khai, sân chơi khang trang, bề thế với đủ các thiết bị kỹ thuật được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo dự toán ban đầu, kinh phí cho việc cải tạo, xây dựng sân chơi khoảng 170 triệu đồng, nhưng do người dân tự hạch toán, liên hệ trực tiếp với đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị và do người dân tự thi công, nên khi hoàn thành công trình chỉ mất 130 triệu đồng. Từ thành công bước đầu của mô hình người dân tham gia giám sát tại cộng đồng trong việc xây dựng sân chơi, cụm dân cư số 3A đang lập phương án xây dựng, cải tạo một số công trình trên địa bàn như Khu di tích danh nhân Đặng Trần Côn; nhà văn hóa; chống lấn chiếm và làm sạch môi trường cảnh quan chung quanh hồ Hạ Đình, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong cụm dân cư. Theo Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị, cơ quan quản lý đề án, công trình sân chơi cụm 3A phường Hạ Đình chỉ là một trong hàng trăm công trình được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước thực hiện theo mô hình người dân tham gia giám sát cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng trong thi công xây dựng.
Bên cạnh việc thực hiện tại khu dân cư, các đề án, chương trình giám sát cộng đồng cũng được triển khai tại nhiều cơ quan Nhà nước và các cơ sở dịch vụ xã hội. Đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Tam Điệp (Ninh Bình), chị Hoàng Thị Xuân, xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp không khỏi ngỡ ngàng với quy trình đón tiếp bệnh nhân tự động mà bệnh viện đang triển khai. Đây là quy trình trong Đề án nâng cao tính công bằng, trách nhiệm và tăng cường vai trò giám sát của bệnh nhân trong khám chữa bệnh bằng hệ thống xếp hàng và khảo sát khách hàng tự động được triển khai bước đầu tại sáu bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Theo quy trình này, bệnh nhân khi đến khám bệnh sẽ lấy phiếu xếp hàng từ máy phát phiếu tự động và chờ bác sĩ khám theo số thứ tự. Với quy trình này đã tránh được những tiêu cực đã xảy ra trước đây như nhờ mối quan hệ để chen ngang, kẹp tiền vào sổ y bạ để được khám trước… Sau khi khám bệnh, bệnh nhân sẽ đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ của nhân viên y tế thông qua việc bấm nút (không ghi danh) vào máy tiếp nhận ý kiến tự động với các mức độ từ rất hài lòng, đến rất không hài lòng. Những ý kiến của người dân sẽ được tổng hợp và là căn cứ quan trọng để bình xét thi đua và trả lương hằng tháng đối với nhân viên y tế trong bệnh viện. Chia sẻ về hiệu quả của đề án, ông Trần Đình Hợp, phụ trách đề án cho biết, đây là cơ chế giám sát trực tiếp của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về chất lượng khám, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các điều kiện phát sinh sự nhũng nhiễu của cán bộ y tế đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, góp phần giúp bệnh viện nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Đánh giá về chất lượng các đề án giám sát cộng đồng đang được triển khai, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, nhóm đề án nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng, góp phần PCTN tuy mới được triển khai nhưng đã cho thấy hiệu quả nhất định. Qua giám sát, người dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào công tác PCTN, giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng tại cơ sở.
Cùng với việc nhân rộng các mô hình nói trên, hiện nay nhiều đề tài, mô hình giám sát cộng đồng trong PCTN đang gấp rút triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tính liêm chính, trách nhiệm, minh bạch và PCTN trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để công tác PCTN mang lại kết quả cao, bên cạnh việc tăng cường giám sát của người dân, cần sự tham gia tích cực của các ngành chuyên môn trong việc cung cấp kiến thức, chính xác, khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho người dân làm cơ sở trong quá trình giám sát. Cùng với đó, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý những vụ việc tham nhũng được người dân phát hiện.
Theo Nhandan
Ý kiến ()