LSO-Tham nhũng, lãng phí là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, giải pháp quyết liệt để đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này. Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đối với Lạng Sơn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được chú trọng, đặc biệt là từ sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 290 – QĐ/TU ngày 15/3/2007 phê duyệt đề án “Tăng cường công tác chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.Quán triệt chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành triển khai, quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng. Theo đó, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tăng cường giáo dục kết hợp với kiểm tra,...
LSO-Tham nhũng, lãng phí là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, giải pháp quyết liệt để đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này. Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Đối với Lạng Sơn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được chú trọng, đặc biệt là từ sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 290 – QĐ/TU ngày 15/3/2007 phê duyệt đề án “Tăng cường công tác chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Quán triệt chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành triển khai, quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng. Theo đó, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tăng cường giáo dục kết hợp với kiểm tra, đôn đốc trong từng thời điểm, thời kỳ. Bên cạnh việc chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình Lạng Sơn, 4 năm qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 141 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời công bố hết hiệu lực thi hành 31 văn bản, sửa đổi, bổ sung 10 văn bản, bãi bỏ 7 văn bản.
|
Thành phố Lạng Sơn ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh |
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục và xây dựng, rà soát văn bản, các cấp, ngành chức năng còn tập trung đổi mới công tác cán bộ. Các khâu tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành công khai, dân chủ theo quy định. Đồng thời, việc luân chuyển cán bộ, công chức nhất là trong các ngành tài chính, kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế, hải quan được đẩy mạnh. Các tổ chức đảng chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt, quan tâm quản lý, giáo dục đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đặc biệt, cấp ủy, ban thường vụ các cấp hàng năm đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát 1.122 tổ chức đảng, kết luận có 261 tổ chức đảng có vi phạm, thi hành kỷ luật 717 đảng viên. Bên cạnh đó, ngành thanh tra đã thực hiện 390 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó có 26 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng chống tham nhũng; kiến nghị thu hồi gần 22 tỷ đồng; đã xét xử 12 vụ án, 32 bị cáo. Điều này cho thấy sự kiên quyết của tỉnh trong chỉ đạo xử lý các sai phạm.
Cùng tham gia trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, HĐND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cũng đã từng bước thể hiện vai trò của mình. Riêng HĐND các cấp đã giám sát 139 cuộc trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào việc phòng ngừa tham nhũng. Qua giám sát, các đoàn đã có 1.116 ý kiến đánh giá, chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, góp phần thiết thực cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và các ngành, cơ quan. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cũng tăng cường chỉ đạo củng cổ, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong việc giám sát thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm cơ bản đã từng bước được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh đưa vào cuộc sống. Dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp, ngành chức năng đã xác định phòng chống tham nhũng, lãng phí là quyết tâm lớn, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hoàng Thái
Ý kiến ()