Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng và xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. ( Ảnh: DOÃN TẤN (TTXVN) )Hôm qua 7-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. ( Ảnh: DOÃN TẤN (TTXVN) ) |
Hôm qua 7-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, sau khi nhắc lại nhận định trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư trình Đại hội lần thứ XI của Đảng về công tác PCTN và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh: Công tác PCTN là một nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống nhà nước trong sạch, vững mạnh hiện nay. Thủ tướng cho biết, sắp tới Hội nghị T.Ư 5 xem xét, thảo luận Báo cáo Sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, trên cơ sở đó, Hội nghị T.Ư 5 sẽ có những chủ trương, giải pháp thiết thực để tăng cường hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác PCTN trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho Hội nghị T.Ư 5 nói trên, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN tổ chức hội nghị này nhằm thảo luận, đánh giá kết quả công tác PCTN thời gian qua, hoàn thiện báo cáo trước khi trình Hội nghị T.Ư lần thứ 5 của Đảng.
Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày và báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trình bày đã đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết
T.Ư 3, Luật PCTN và những văn bản khác của Đảng và Nhà nước về PCTN. Các báo cáo nhận định, với việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư, các Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác PCTN trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Cụ thể là, năm năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các hành vi tham nhũng có tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn. Đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Đối với tám vụ án tham nhũng trọng điểm xảy ra từ 2006 trở về trước mà Ban Chỉ đạo T.Ư lựa chọn để chỉ đạo ngay sau khi thành lập đều đã được đưa ra xét xử dứt điểm. Đối với 21 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo T.Ư lựa chọn để chỉ đạo đã xét xử năm vụ, Tòa án đang thụ lý hai vụ, Viện Kiểm sát thụ lý ba vụ, đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra bốn vụ, đang điều tra bảy vụ. Đối với 20 vụ án mà Ban Chỉ đạo T.Ư giao Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, đôn đốc đã xét xử 12 vụ, Tòa án đang thụ lý hai vụ, Viện Kiểm sát đang thụ lý hai vụ, đình chỉ điều tra hai vụ, đang điều tra hai vụ.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các tội phạm tham nhũng trong năm năm qua có tiến bộ so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước đây đã được khởi tố, điều tra, xử lý dứt điểm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đã góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng.
Hiện nay, công tác PCTN được quan tâm hơn và có những bước tiến quan trọng so với thời kỳ trước khi có Nghị quyết T.Ư 3 và Luật PCTN. Những kết quả của công tác PCTN đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả đó cũng khẳng định những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước được quy định trong Nghị quyết T.Ư 3 và Luật PCTN là cơ bản đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, có thể khẳng định rằng, công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt được mục tiêu “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…” như Nghị quyết đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng vẫn cao và diễn biến phức tạp: quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tín dụng, ngân hàng… Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý là số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong năm năm có xu hướng giảm trong khi thực trạng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít. Trong năm năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào qua công tác kiểm tra, thanh tra. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Hồ sơ vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần; một số vụ cho hoãn xét xử; đình chỉ vụ án, bị can; cho bị can, bị cáo tại ngoại thiếu căn cứ thuyết phục, gây khó khăn cho việc xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thiếu kiên quyết, nhiều vụ kéo dài thời hạn điều tra, xử lý; nhiều vụ có xu hướng giảm dần về tội danh, tính nghiêm trọng của tội phạm, giảm dần số bị can, bị cáo; nhiều vụ được đình chỉ, miễn xử lý hình sự; việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao.
Sau khi nghe 13 ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu ý kiến, khẳng định công tác PCTN đã đạt kết quả quan trọng, tuy nhiên, cũng chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng chí cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt trong giai đoạn tới. Đồng chí nhấn mạnh, để thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay thì không thể không đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN. Đồng chí đề nghị các đại biểu, cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của công tác PCTN trong giai đoạn hiện nay; cần quán triệt đầy đủ chủ trương, giải pháp PCTN trong Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) nói trên. Sớm hoàn thiện tổ chức các cơ quan PCTN, trước hết là kiện toàn Ban Chỉ đạo T.Ư, Ban Chỉ đạo các địa phương về PCTN. Tăng cường công tác kiểm tra về PCTN, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng. Đồng chí nêu rõ, trong những năm tới, công tác PCTN vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn chung các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 nói trên.
Về đánh giá kết quả đạt được sau năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) và Luật PCTN, Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành đều đã quán triệt thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 một cách nghiêm túc; công tác PCTN, lãng phí đã đạt được những chuyển biến tích cực, có ý nghĩa quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Công tác PCTN năm năm qua đã góp phần vào thành tựu chung phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tuy nhiên, tham nhũng đang là thách thức lớn vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng và trong việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước. Công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Về những nhiệm vụ, giải pháp PCTN, lãng phí trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định phải quyết tâm, kiên trì, đồng bộ, quyết liệt trong công tác PCTN để xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh. Những nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm giải pháp phòng ngừa. Phải nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm cao của các cấp, nhất là của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền. Phải nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức đảng, đặc biệt là cơ sở đảng. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong quản lý kinh tế – xã hội ở các cấp, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cơ chế trong đầu tư công, trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý cán bộ, nhất là về tuyển dụng cán bộ, phải dân chủ, công khai, minh bạch. Đồng thời, cũng phải công khai, dân chủ trong đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Phải hoàn thiện chính sách về tiền lương, đất ở, nhà ở cho cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải xây dựng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đấu tranh kịp thời với các hành vi tham nhũng. Phải tăng cường công tác giám sát của QH, HĐND, MTTQ các cấp và nhân dân đối với bộ máy nhà nước và các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. Và cuối cùng là phải kiện toàn Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và Ban Chỉ đạo PCTN ở địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()