Phòng chống tham nhũng: Bảo đảm tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật
Việc Đảng chỉ rõ, xử lý sai phạm của hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược, đã thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật của Ðảng và Nhà nước trước nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo đảng viên và các tầng lớp nhân đồng tình ủng hộ.
Hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được kết luận, xử lý nghiêm minh.
Việc Đảng chỉ rõ sai phạm của hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược, đã thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Ðảng, Nhà nước trước nhân dân.
Tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm là phương châm, quan điểm nhất quán của Đảng.
Ngay từ khi đất nước mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo các tệ nạn tham ô, hủ hóa cần sớm có biện pháp ngăn chặn. Vụ án Trần Dụ Châu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù rất khổ tâm, nhưng vẫn quyết định bác đơn xin ân xá án tử hình của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội và kỷ luật của Đảng. Người đã nói dứt khoát, một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm!
Năm 1964, Hồ Chủ tịch quyết định chấp thuận xử lý nghiêm minh một cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Người đã nêu rõ quan điểm: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt.”
Tư tưởng của Người về sự nghiêm minh, giữ gìn kỷ luật Đảng tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước suốt 75 năm qua.
Đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước càng thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
Có công thì thưởng, có tội thì phạt, không bao che, dung túng, tiếp tay cho những cán bộ, đảng viên sai phạm là nguyên tắc mà Đảng kiên định thực hiện, coi đây là đòi hỏi tất yếu để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội thảo khoa học Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 ngày 28/11. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, gây phương hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tổn hại đến quyền, lợi ích của nhân dân đều bị xử lý kỷ luật, không phân biệt cán bộ ở Trung ương hay cơ sở; cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.
Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 5 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; cán bộ cấp tướng) do có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý, trong đó có các vụ xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, BIDV, Sacombank, Công ty Gang thép Thái Nguyên, vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Trong 5 năm (2015-2020), cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 87 nghìdạddảng viên.
Khách quan nhìn nhận, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng ngày càng đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn và đạt được những kết quả nhất định; tăng thêm niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước.
Việc xử lý hàng loạt cán bộ đương chức và cả cán bộ đã về hưu, đặc biệt là cán bộ cao cấp trong Ðảng, cho thấy không có “vùng cấm” đối với bất cứ trường hợp vi phạm.
Sự nghiêm minh đó đang củng cố niềm tin, không chỉ đối với nhân dân, mà còn củng cố niềm tin ở ngay trong Ðảng và cả hệ thống chính trị; đồng thời khẳng định, lý tưởng cộng sản và kỷ luật đảng chính là ngọn nguồn hợp thành sức mạnh của Đảng.
Trong đó, lý tưởng cộng sản để nuôi dưỡng tâm hồn người cộng sản, rèn luyện phẩm cách người cộng sản, định hướng, nhắc nhở những mục đích nhân văn của người cộng sản; còn kỷ luật đảng là để chấn chỉnh những biểu hiện chệch hướng, đồng thời là biện pháp để loại bỏ những cán bộ, đảng viên đi ngược lại lý tưởng cộng sản.
Phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”./.
Ý kiến ()