Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em từ ngôi nhà an toàn
LSO-Cao Lộc là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn (NNAT) cho trẻ, với 627 hộ gia đình đạt chuẩn theo quy định. Qua đó góp phần phòng, chống tai nạn thương tích, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trẻ em Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) trong giờ ra chơi |
Xã Tân Liên, huyện Cao Lộc có nguồn nước dồi dào từ con sông Kỳ Cùng. Cùng với đó, ở các thôn bản cũng có rất nhiều con suối bắt nguồn từ các khe núi. Điều này rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên đây lại là một nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em, nếu như không quan tâm, có biện pháp bảo vệ an toàn thì trẻ rất dễ bị đuối nước. Ông Hoàng Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Do địa hình có nhiều sông suối, những năm trước, xã Tân Liên có tình trạng trẻ em bị chết do đuối nước. Vì thế, huyện đã chọn xã làm điểm để xây dựng NNAT cho trẻ em. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu và nghiêm túc thực hiện, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ từ gia đình đến các nhà trường. Đến nay, toàn xã có 244 hộ gia đình đạt tiêu chí NNAT cho trẻ. Nhờ đó, số vụ tai nạn thương tích đã giảm đi nhiều.
Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Tằm Nguyên chia sẻ: Được các cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã đăng ký tham gia và nghiêm túc thực hiện các tiêu chí của mô hình NNAT như: nhà có cổng rào, nền nhà có bậc thềm cho trẻ lên xuống, lắp đặt các thiết bị điện xa tầm với của trẻ, tuyệt đối không cho trẻ nhỏ đến gần đường tàu, nghịch nước ở sông suối… Nhờ chủ động và có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình nên việc trông trẻ ở nhà được an toàn hơn.
Được biết, ngoài xã Tân Liên, đến nay, toàn huyện Cao Lộc có 2.153 hộ đăng kí thực hiện mô hình NNAT và qua kiểm định có 627 hộ đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài việc tổ chức xây dựng điểm tại các hộ gia đình, các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Từ năm 2015 đến nay, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện đã tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em được 30 cuộc với hơn 12.400 lượt người tham gia. Năm 2016 vừa qua, huyện đã tổ chức lớp học bơi cho 19 trẻ tại Cung Thiếu nhi tỉnh.
Nhờ đó, số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích giảm đáng kể, từ 60 trẻ năm 2015 xuống còn 50 trẻ năm 2016 (giảm gần 20%). Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã có những bước chuyển biến tích cực với 95% trẻ em đều được khai sinh; không có trẻ em lang thang, làm việc nặng nhọc; không có trẻ bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc… 98% xã, thị trấn có trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được lập danh sách và khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. Riêng năm 2016, toàn huyện có 18.707 trẻ được trợ giúp bằng nhiều hình thức như: trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế…
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2017, huyện đã tổ chức thăm và tặng quà cho 50 đơn vị trường học; cử cán bộ tập huấn Luật Trẻ em năm 2016; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, thời gian tới, phòng LĐTBXH huyện tiếp tục nhân rộng mô hình NNAT ở các xã có nguy cơ tai nạn thương tích cao đối với trẻ em (dự kiến là thị trấn Cao Lộc và xã Hồng Phong). Đồng thời chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm xây dựng thôn, khu phố an toàn, phù hợp cho trẻ, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí để trẻ được phát triển toàn diện nhất.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()