Phòng, chống suy dinh dưỡng: Thiết thực góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số
- Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Toàn tỉnh hiện có trên 204.000 trẻ em, trong đó có 57.000 trẻ dưới 5 tuổi. Thực tế cho thấy, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa thực sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ em.
Bà Dương Thị Hà, Trưởng Trạm y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Địa bàn xã hiện có trên 470 trẻ em. Vì là xã vùng III, người dân còn nhiều khó khăn trong đời sống nên việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em chưa được quan tâm, nhất là tại các thôn đặc biệt khó khăn như Lân Cà, Lân Hoèn… một số gia đình do sinh đông con (từ 3 con trở lên) nên trẻ thiếu điều kiện chăm sóc, cha mẹ chỉ cho con ăn no bụng chứ chưa chú ý đến dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy, vẫn còn tình trạng trẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng… Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên địa bàn xã là 15,5%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,2%, cao hơn so với mặt bằng chung của huyện.
Trước thực tế đó, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ em như thực hiện “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch hành động Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam" đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Lạng Sơn”.
Theo đó, hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm cho trẻ với các hoạt động như: triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại 45/88 xã vùng III của tỉnh; tư vấn dinh dưỡng, cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh được uống vitamin A 2 lần/năm; theo dõi tăng trưởng và phát triển, điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi…
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều tích cực tham mưu triển khai bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; theo dõi các chỉ số dinh dưỡng của trẻ qua hoạt động cân, đo định kỳ, triển khai bổ sung đa vi chất cho phụ nữ có thai tại các huyện khó khăn (Bình Gia, Văn Quan).
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã bổ sung vitamin A 2 lần vào chiến dịch tháng 6 và tháng 12 cho gần 35.000 trẻ 6 - 36 tháng tuổi; theo dõi tăng trưởng định kỳ cho 17.319 trẻ dưới 2 tuổi hằng tháng; thực hiện cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng đối với trên 56.500 trẻ dưới 5 tuổi trong chiến dịch tháng 6 hằng năm; khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần cho gần 3.000 trẻ dưới 2 tuổi tại các xã vùng III…
Cùng với đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện thông qua các cuộc gặp gỡ để hướng dẫn các bậc cha mẹ về chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương; thăm hộ gia đình; tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức và thực hành truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho cán bộ dinh dưỡng tuyến huyện, xã… Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho trên 900.000 lượt người qua các hoạt động tư vấn, khám sức khoẻ, thăm hộ gia đình về chăm sóc sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhỏ; tổ chức 42 lớp tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản; tổ chức tập huấn cho 41 cán bộ dinh dưỡng tuyến xã, huyện về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời…
Qua hoạt động truyền thông, tư vấn, nhiều cha mẹ đã quan tâm cải thiện dinh dưỡng cho con trẻ.
Chị Hoàng Thị Thu, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chia sẻ: Con lớn của tôi từ bé đã hay ốm vặt, giờ 10 tuổi mới được 22 kg, cao 120 cm. Đến năm 2023, khi sinh con thứ hai, tôi được các cán bộ ở trạm y tế xã hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn uống, chăm sóc ngay từ lúc mang thai nên tôi đã biết cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để con phát triển khỏe mạnh.
Như vậy, việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả, công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi) là 15,1% (giảm 0,5% so với năm 2022); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 21,8% giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/chiều cao là 7,3% (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022).
Để tiếp tục cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em, thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, ưu tiên trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân quan tâm chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tại nhà… từ đó, giúp trẻ em vùng đồng bào DTTS phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao.
Ý kiến ()