Phòng, chống sốt xuất huyết: Xử lý triệt để, ngăn chặn lây lan
– Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết ở một số tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian gần đây, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó tăng cường tuyên truyền, xử lý triệt để khu vực xuất hiện ca bệnh và khu vực có nguy cơ phát sinh bệnh, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết
Trung tuần tháng 6/2023, tại khối 10 phường Tam Thanh xuất hiện 1 trường hợp sốt cao, phải nhập viện, nghi mắc bệnh sốt xuất huyết. Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý; điều tra xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, phun hóa chất 100% gia đình thuộc khu vực xuất hiện ca bệnh 1 lần/tuần. Sau 14 ngày, khu vực xuất hiện ca bệnh đã được xử lý, kiểm soát, không phát sinh ca bệnh mới.
Ông Chu Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thanh cho biết: Từ khi xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh đến nay, UBND phường vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động hơn 3.000 hộ dân xử lý các dụng cụ chứa nước, dụng cụ phế thải và tổ chức ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, ngăn chặn mầm bệnh phát sinh. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố cập nhật tình hình diễn biến bệnh sốt xuất huyết, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Anh Trần Hoài Nam, khối 10, phường Tam Thanh cho biết: Khu vực tôi sinh sống gần suối, cây cối rậm rạp là môi trường tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết. Thực hiện theo nội dung tuyên truyền của chính quyền địa phương cũng như cán bộ y tế, gia đình tôi thường xuyên kiểm tra, dẹp bỏ dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm, thu gom rác trong nhà, ngoài vườn để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ để tránh sự phát triển của muỗi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, 2 ca bệnh đã được phát hiện và xử lý triệt để, không lây lan. Còn 7/9 ca là các ca ngoại lai, đi từ vùng dịch về, không có nguy cơ lây bệnh. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch, kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, cấp xã; tăng cường vai trò chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phun khử khuẩn tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, có thể dẫn đến tử vong. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, khoa đã tham mưu trung tâm chủ động phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể liên quan tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, các biện pháp vệ sinh phòng dịch cho Nhân dân hiểu và thực hiện. Cùng đó, trung tâm chủ động nắm bắt tình hình các ca bệnh, tiến hành xử lý kịp thời, triệt để, không để bệnh lan rộng ra cộng đồng dân cư.
Cùng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến từng thôn, bản, khối phố. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 480 cán bộ, nhân viên y tế được tập huấn. Đồng thời, cơ quan chức năng tổ chức giám sát hằng ngày qua báo cáo đối với 11/11 huyện, thành phố và giám sát đột xuất đối với các địa bàn xuất hiện ca bệnh, đảm bảo khu vực phát sinh bệnh được xử lý triệt để, kịp thời.
Ông Chu Văn Duy, Phụ trách Trạm Y tế xã Bính Xá (huyện Đình Lập) cho biết: Xã hiện có 908 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu. Với đặc thù môi trường có nhiều cây cối rậm rạp, nhiều suối, sông tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi đã chủ động phối hợp các hội đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy; phối hợp với các nhà trường phun khử khuẩn vào dịp đầu năm học mới. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hóa chất để ứng phó khi xảy ra dịch bệnh.
Với sự chủ động của ngành y tế và sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành, hy vọng rằng, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục được khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để bùng phát thành dịch, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện các biện pháp: thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt muỗi bằng dùng bình phun hoặc hương xua muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng) ở các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, loại trừ nơi sinh sản của muỗi. Khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết như: sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, người dân không tự điều trị tại nhà, phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. |
Ý kiến ()