Phòng, chống sạt lở đất ở Tràng Định: Sẵn sàng ứng phó
LSO- Tràng Định có 3 con sông lớn (sông Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bắc Khê) và nhiều con suối lớn nhỏ chảy qua qua địa bàn. Là huyện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, vì vậy, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống.
Cụm dân cư Thả Lác, thuộc Khu 1, thị trấn Thất Khê nằm ven sông Bắc Khê là vũng trũng của thị trấn. Khi mưa to nước sông dâng cao, Thả Lác có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đầu tiên. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập lụt xảy ra, người dân nơi đây đã và đang sẵn sàng các biện pháp. Ông Trần Thái Vũ, ở cụm dân cư Thả Lác cho biết: Để phòng chống lụt bão và sạt lở đất, gia đình tôi ngoài việc chuẩn bị bè mảng để di chuyển khi ngập lụt xảy ra, thì cũng thường xuyên theo dõi tình hình, nếu mưa, lũ lớn, gia đình sẽ chủ động di dời.
Hiện thị trấn Thất Khê có 4 điểm nằm ven sông Bắc Khê, trong đó có 2 điểm nguy cơ sạt lở (thuộc cụm dân cư Thả Lác, khu 1 và cụm dân cư Pác Giáng, khu 4). Để phòng, chống sạt lở đất, UBND thị trấn đã triển khai các biện pháp. Ông Vương Văn Công, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thị trấn cho biết: Đến nay, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị phương tiện vật chất, lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi mưa lũ xảy ra; đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng, chống sạt lở đất. Ngoài ra, đoạn bờ sông Bắc Khê thuộc khu vực Thả Lác (khu 1), có nguy cơ sạt lở đất, hiện đã và đang được thực hiện dự án kè bờ sông nhằm hạn chế sạt lở.
Cán bộ thị trấn Thất Khê kiểm tra đoạn sông Bắc Khê chảy qua khu 1 có nguy cơ sạt lở
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tràng Định có trên 270 điểm nguy cơ sạt lở đất, thuộc các xã: Trung Thành, Chí Minh, Tân Minh, Đội Cấn, Đề Thám… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra, huyện chủ động các biện pháp. Trong đó, đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, xây dựng và triển khai phương án PCTT&TKCN cấp huyện, xã. Cùng với đó, chuẩn bị các phương tiện gồm: 860 áo phao, phao tròn; 10 nhà bạt, 4 loa cầm tay; 4 máy cưa cầm tay; 4 xuồng máy, 4 máy bơm, 5 máy phát điện công suất 5KW/máy… Đặc biệt, Ban Chỉ huy Quân sự huyện thành lập đội xung kích gồm 25 đồng chí và 1 trung đội dân quân cơ động với 28 đồng chí; Công an huyện huy động 30 chiến sỹ thường trực; các xã vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân cơ động gồm 30 đồng chí sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai, bão, lũ, sạt lở xảy ra. Tất cả các lực lượng trên luôn được kiện toàn và đảm bảo quân số.
Ngoài ra, Hạt 3 quốc lộ 3B, Hạt 6 giao thông, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn phụ trách từng tuyến đường theo quy định. Huy động các doanh nghiệp, nhà thầu đang thi công các công trình xây dựng trên địa bàn huyện hỗ trợ nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố sạt lở đất dọc các tuyến đường, đảm bảo thông xe bước 1 khi có thiên tai xảy ra.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Huyện quán triệt phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó, lấy phòng tránh là chủ yếu. Đến nay, công tác PCTT&TKCN trên địa bàn huyện được các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()