Phòng, chống rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng- Thủy văn T.Ư, hiện ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, ngày 30-11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc.
Ðến ngày 1-12, không khí lạnh sẽ tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 30-11, các tỉnh Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ 13-16oC, vùng núi 10-13oC, vùng núi cao có nơi dưới 10oC. Các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, gió giật mạnh.
* Ðể chủ động đối phó mưa rét, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành chỉ thị, giao cho UBND các huyện và ngành nông nghiệp cập nhật diễn biến tình hình thời tiết để thông báo đến người dân kịp thời phòng chống rét cho người và gia súc, gia cầm, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen chăn nuôi và dự trữ thức ăn cho gia súc để đối phó thời tiết bất lợi. Hiện tỉnh Lai Châu có gần 350 nghìn con gia súc, chủ yếu nuôi theo phương thức thả rông nên rất nguy hiểm trong các đợt rét đậm, rét hại.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay dịch lở mồm long móng (LMLM) liên tục được phát hiện tại 10 trong số 13 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh. Gần đây nhất (từ ngày 18-11 đến nay), tại xã Cẩm Mỹ và thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, dịch LMLM tái phát trên ổ dịch cũ, làm 39 con bò bị mắc bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống.
* Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa xác nhận, bệnh LMLM được phát hiện trên 15 con gia súc tại bản Húc Ván, xã Húc. Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Nam, dịch bệnh LMLM xảy ra trên địa bàn huyện Duy Xuyên, đã có 94 con trâu, bò bị nhiễm dịch bệnh. Trước đó, tại huyện Chợ Ðồn (Bắc Cạn) dịch bệnh LMLM đã lây lan ra 84 con trâu, bò của 19 hộ ở chín thôn trên địa bàn ba xã Nam Cường, Ðồng Lạc, Xuân Lạc.
* Sau bảy ngày bị cô lập với đất liền vì biển động mạnh, đến sáng 28-11, các tuyến giao thông đường thủy đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hoạt động trở lại. Nhiều chuyến tàu chở khách, hàng hóa được phép xuất bến từ cảng Sa Kỳ, thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn ra đảo Lý Sơn và ngược lại. Tại đầu bến cảng Sa Kỳ, ngay trong sáng 28-11 đã có ba chuyến tàu chở khách được lệnh xuất bến, vận chuyển gần 250 hành khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Ngoài ra, hai chuyến tàu chở hàng hóa thiết yếu cũng đồng loạt xuất bến chở hơn 150 tấn hàng hóa ra đảo.
* Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn kéo dài, gây ra sạt lở nghiêm trọng trên nhiều đoạn đường dẫn vào xã Sơn Thái. Ðây là tuyến đường duy nhất dẫn vào khu sản xuất của khoảng 300 hộ dân của xã. Tuyến đường này nằm sát bờ sông nên rất khó khắc phục. Vì vậy, chính quyền xã Sơn Thái đang đề nghị mở một tuyến đường khác để vào khu sản xuất.
* Sáng 28-11, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm thuyền viên của tàu cá BÐ 30366 TS bị mất tích do tàu chìm trên vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 42 hải lý về phía đông nam. Tại hiện trường, tàu SAR 272 đã phát hiện thi thể hai thuyền viên. Lực lượng chức năng giữ liên lạc với các tàu ngoài hiện trường, phân bổ khu vực tìm kiếm cho các tàu qua lại, huy động tàu cá quanh khu vực cảnh giới, khẩn trương hỗ trợ tìm kiếm bốn thuyền viên còn lại.
* Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III nhận được thông tin có một thuyền viên trên tàu cá BV 98118 TS nghi bị đau tim tại vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 180 hải lý về phía đông nam. Trung tâm đã điều động tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 ra hiện trường cứu nạn khẩn cấp, đưa thuyền viên bị nạn lên tàu an toàn, tổ chức sơ cứu y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thuyền viên bị nạn.
Nhiều hoạt động ủng hộ người dân vùng lũ
* Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, hai công ty của Hàn Quốc gồm Công ty Panko Vina ủng hộ 500 triệu đồng và Công ty Panko Tam Thăng ủng hộ 100 nghìn áo phông. Số tiền và áo phông được phân bổ đến người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai của tỉnh Hòa Bình gồm 200 triệu đồng và 40 nghìn áo phông; Yên Bái 200 triệu đồng và 40 nghìn áo phông; Thanh Hóa 100 triệu đồng và 20 nghìn áo phông.
* Hiệp hội tấm lợp Việt Nam phối hợp Công ty cổ phần Quảng Phúc – Quảng Ngãi đã đến huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) trao tặng 5.000 tấm lợp cho bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 12. Năm 2016, Hiệp hội đã trao tặng 4.600 tấm lợp cho người dân tại hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) đồng thời chung tay xây dựng trường mầm non xã Lương Sơn (Yên Bái). Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội và các nhà tài trợ đã tổ chức trao tặng 4.000 tấm lợp cho các hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ ống, lũ quét tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
* Ngày 28-11, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phân bổ 500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng cơn bão số 12. Theo đó, huyện Bắc Trà My được hỗ trợ 80 tấn, Ðại Lộc 70 tấn, Phước Sơn 70 tấn, Nam Trà My 50 tấn, Ðông Giang 50 tấn, Tây Giang 40 tấn, Nông Sơn 30 tấn, Duy Xuyên 30 tấn; các huyện Tiên Phước, Nam Giang, Hiệp Ðức mỗi địa phương 20 tấn; Thăng Bình 10 tấn và Trại tạm giam Công an tỉnh 10 tấn gạo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()