Phòng, chống rét cho trâu, bò: Cần chủ động từ người dân
LSO-Những năm gần đây, thời tiết diễn biến khá phức tạp, Lạng Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc nói chung, trâu, bò nói riêng.
LSO-Những năm gần đây, thời tiết diễn biến khá phức tạp, Lạng Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc nói chung, trâu, bò nói riêng. Mặc dù nhiều biện pháp phòng, chống rét cho trâu, bò đã được triển khai thực hiện, song để công tác này đạt hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất thì cốt lõi vẫn cần sự chủ động từ phía người dân.
![]() |
Nông dân Lộc Bình chăm sóc gia súc trong dịp rét |
Đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011, huyện Chi Lăng có 3.716 con trâu, bò bị chết, thiệt hại ước tính gần 15 tỷ đồng. Hay như huyện Lộc Bình, trung bình mỗi năm chết hơn 3.000 con trâu, bò do rét đậm, rét hại. Mùa đông năm 2010-2011, toàn huyện có tới 4.479 con, mùa đông năm 2007-2008 làm chết 3.777 con. Tính trong 5 năm gần đây, Lộc Bình đã thiệt hại khoảng 15.000 con trâu, bò do rét đậm, rét hại kéo dài gây ra. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân năm 2012-2013, toàn tỉnh còn 578 con trâu, bò bị chết rét, trong đó 363 con trâu, 19 con bò và 175 con nghé, 21 con bê. Mặc dù thời điểm này, chưa có con số chính xác nhưng một số huyện trong tỉnh báo cáo vẫn còn tình trạng trâu, bò chết do rét đậm, rét hại.
Thời gian qua, để phòng, chống rét cho trâu, bò đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của các ngành chức năng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến trâu, bò chết trong mùa đông vẫn là do tập quán thả rông trâu, bò và người dân chủ quan trong khâu che chắn chuồng trại, tích trữ thức ăn thô cho trâu, bò. Nhất là các hộ chăn nuôi ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về nhận thức trong chăn nuôi thường xuyên thả rông trâu, bò vào rừng trong những ngày giá rét.
Để nâng cao hiệu quả công tác này ngay từ đầu mùa đông, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện một số biện pháp trọng tâm như: thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chống đói, rét cho các chủ hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát. Phía Chi cục Thú y tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống rét cho trâu, bò từ đầu mùa rét. Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền hộ chăn nuôi cách chăm sóc và bảo vệ đàn trâu, bò. Cử thú y viên xuống từng thôn bản, nhà dân hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò đúng cách khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, nền nhiệt độ trung bình toàn vụ đông xuân năm nay ở các tỉnh phía Bắc cao hơn so với trung bình nhiều năm vào cùng thời kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại tiếp tục có khả năng tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2014. Ông Dương Doãn Doanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn cho biết: Chi cục đang tăng cường một số biện pháp cấp bách như chỉ đạo mạng lưới thú y viên bám sát địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chống rét cho trâu, bò bằng cách che chắn và sưởi ấm chuồng trại, đảm bảo điều kiện vệ sinh; chống đói bằng cách tận dụng tốt các thức ăn thô (rơm, rạ, cám, sắn). Tuy nhiên, nếu tình trạng lơ là, chủ quan với đàn trâu, bò trong mùa đông vẫn xảy ra ở các hộ chăn nuôi thì trâu, bò chết do đói, rét vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều hộ gia đình. Ông Doanh khẳng định “Để thực hiện hiệu quả công tác này thì cốt lõi nhất vẫn là sự chủ động, tích cực từ hộ chăn nuôi. Theo đó, người dân cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết; chủ động và thực hiện tốt các biện pháp đã được hướng dẫn thì việc bảo vệ đàn trâu, bò không còn là thách thức và hoàn toàn kiểm soát được”.
HÀ MY
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()