Phòng, chống pháo, vật liệu nổ trong trường học: Tăng tuyên truyền, giảm nguy cơ
– Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền học sinh không tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ, nhằm đảm bảo các em có một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán an toàn, lành mạnh.
Sau khi ổn định công tác dạy và học trong năm học mới 2021 – 2022, Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc đã triển khai các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh. Cô Hà Thị Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và ngăn ngừa các hành vi sai phạm về pháo trong học sinh, ngay trong học kỳ I của năm học, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật với hơn 800 học sinh toàn trường tham dự. Nội dung chính được tuyên truyền trong buổi ngoại khóa về pháp luật an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh không sử dụng, tàng trữ các loại pháo nổ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Học sinh Trường THPT Cao Lộc trong buổi ngoại khóa phổ biến giáo dục pháp luật
Không chỉ Trường THPT Đồng Đăng, toàn tỉnh hiện có 674 trường học với trên 204.000 học sinh các cấp học, từ đầu năm học, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, thực hiện linh hoạt từ tuyên truyền trực tuyến, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, fanpage của nhà trường; phối hợp với đoàn thanh niên, lực lượng liên quan phát tờ rơi, tờ gấp, kết hợp với tuyên truyền miệng cho học sinh. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên các trường tăng số buổi, số lượt vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Cùng đó là tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, phát tờ rơi, tờ gấp. Từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, các đơn vị trường học trên địa bàn đã phối hợp phát 22.000 tờ rơi, 650 áp phích và treo hơn 670 băng rôn tuyên truyền về những nội dung liên quan đến pháo, vật liệu nổ. Cùng đó, các trường từ tiểu học, THCS đến THPT tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Qua tuyên truyền đã giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về tác hại của pháo nổ và có ý thức phòng chống. Trong đó, nhiều em đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động mọi người xung quanh không vi phạm. Em Đàm Thị Anh Thư, lớp 11C, Trường THPT Lộc Bình cho biết: Sau khi được phổ biến kiến thức pháp luật và những tác hại, quy định xử phạt liên quan đến pháo nổ, em đã tuyên truyền lại cho người thân, bạn bè chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không tham gia vào việc sử dụng, buôn bán hay tàng trữ pháo nổ, vật liệu nổ.
Học sinh Trường THPT Cao Lộc tham gia hoạt động ngoại khóa tuyên truyền phòng chống pháo
Cùng với tuyên truyền, các trường còn phát động phong trào “3 không, 2 tự giác” (không nhập lậu, sản xuất, buôn bán pháo; không tàng trữ, vận chuyển pháo; không sử dụng pháo; tự giác chấp hành các quy định cấm sản xuất, nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại pháo và tự giác phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về pháo). Cùng đó là duy trì, khai thác, phát huy tính tích cực của hòm thư “Điều em muốn nói” nhằm phản ánh các biểu hiện vi phạm về pháo ở trong và ngoài nhà trường.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều yêu cầu các trường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và quy định của Nhà nước về phòng, chống pháo nói riêng nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại, sự nguy hiểm của việc sử dụng pháo nổ, mức xử phạt nếu vi phạm… để từ đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Với việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, trong năm 2021, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán 2021, toàn ngành GD&ĐT tỉnh không ghi nhận trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về pháo.
Hiện nay, Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, để tiếp tục ngăn ngừa, không xảy ra các vụ việc liên quan đến pháo trong lứa tuổi học trò, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, của nhà trường, rất cần sự tham gia, vào cuộc của các gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục con em mình chấp hành tốt các quy định pháp luật về phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo, vật liệu nổ…
Ý kiến ()