Phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu
Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Theo đó, công tác này vẫn còn hạn chế, bất cập.
Ba năm: 71 trường hợp bị oan
Ông Nguyễn Văn Hiện (Ảnh: Đăng Khoa).
Trình bày báo cáo giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.
Với kỳ giám sát từ ngày 1-10-2011 đến ngày 30-9-2014, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can. Số vụ làm oan người vô tội trong ba năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%.
Trong đó, cơ quan điều tra (CQĐT) đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Viện Kiểm sát (VKS) đình chỉ chín bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Toà án (TA) tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, hoạt động giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội.
Trong ba năm, còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ bảy thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.
Qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chính xác sau đó phải chuyển xử lý hành chính; số bị can về tội ít nghiêm trọng bị tạm giam còn nhiều, có biểu hiện lạm dụng. Để xảy ra một số vụ dùng nhục hình, có trường hợp dẫn đến chết người gây bức xúc dư luận. Một số trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố thiếu căn cứ; nhiều vụ còn kéo dài quá hạn luật định, trong đó 10 vụ đã trên năm năm đến nay chưa giải quyết xong, cá biệt ở Bình Phước có vụ trên 12 năm.
Trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan khoảng trên 30 tỷ đồng nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn chín tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo chín năm đến nay chưa giải quyết xong.
Tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan đã gây nên việc làm oan nhưng cũng có nguyên nhân do một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thật hợp lý như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường; các giấy tờ làm căn cứ xác định bồi thường và thủ tục cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp.
Phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm: Chưa đáp ứng yêu cầu
Về trách nhiệm của Tòa án,Viện Kiểm sát, Toà án, như báo cáo giám sát của UBTVQH nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được cơ bản, hoạt động phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Với hoạt động điều tra, trong kỳ, cùng với việc để xảy ra 15 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm bồi thường của CQĐT, hoạt động điều tra còn bộc lộ một số hạn chế, sai phạm trong áp dụng pháp luật. Còn để 3,1% số tin báo, tố giác về tội phạm quá hạn giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn nhiều, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm; 2,3% số người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó phải chuyển xử lý hành chính; có một số vụ dùng nhục hình nghiêm trọng gây bức xúc dư luận; xảy ra 78 trường hợp tự sát, sáu trường hợp chết do can phạm đánh nhau tại nơi giam giữ.
Về trách nhiệm của Viện kiểm sát, còn để xảy ra 27 trường hợp làm oan thuộc trách nhiệm bồi thường của VKS. Số vụ và số bị can VKS các cấp trực tiếp khởi tố còn hạn chế chưa tương xứng với tình hình bỏ lọt tội phạm.
Có những trường hợp nghiên cứu hồ sơ, xét phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT còn để kéo dài, thiếu căn cứ. Quyết định áp dụng tạm giam đối với bị can về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng còn nhiều, có biểu hiện lạm dụng tạm giam bị can về các tội đánh bạc, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Số vụ TA trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung còn nhiều, chiếm 3,1% số vụ; có một số vụ về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, bị TA trả nhiều lần với lý do chủ yếu là bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Còn khá nhiều trường hợp VKS truy tố chưa đúng tội danh, chưa đúng điều khoản của luật, thiếu chứng cứ buộc tội, phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố. Trong kỳ, có 19 trường hợp truy tố bị TA tuyên không phạm tội, 629 bị can truy tố nhưng qua xét xử chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo; có dấu hiệu bỏ lọt 186 người phạm tội.
Về trách nhiệm của Tòa án, trong kỳ, còn để làm oan một trường hợp. Nhiều bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó chưa đủ căn cứ kết tội 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt 186 người phạm tội, sai tội danh 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 190 bị cáo. Một số trường hợp có đủ căn cứ kết tội bị cáo nhưng TA sơ thẩm lại tuyên bị cáo không phạm tội; ngược lại, có trường hợp đủ căn cứ tuyên bị cáo vô tội, nhưng TA không tuyên vô tội mà trả hồ sơ điều tra bổ sung để đình chỉ điều tra làm cho việc minh oan chậm trễ.
Kiến nghị ban hành Nghị quyết về phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại
UBTVQH cũng đề cập tới một số nguyên nhân dẫn tới tình hình oan, sai trong trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Trước hết, một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện, chưa đúng với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo.
Hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa có xu hướng nặng về buộc tội và tại phiên tòa kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm, tôn trọng thực sự. Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên toà còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên toà”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.
Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương.
Ngoài ra, một trong nhiều lý do khách quan dẫn tới tình trạng này là một số quy định của Bộ luật Hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính.
Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn hạn chế, bất cập như: nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa; các nguyên tắc đánh giá, sử dụng và loại trừ chứng cứ; chủ thể thu thập chứng cứ. Nhiều thủ tục còn rườm rà, phức tạp, thời hạn tố tụng chưa hợp lý; căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chặt chẽ… gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Từ đó, UBTVQH kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam và Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước với những nội dung cụ thể, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để góp phần khắc phục oan, sai và bảo đảm việc bồi thường thiệt hại thỏa đáng, kịp thời cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Đồng thời, xem xét ra Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()