Phòng, chống nguy cơ dịch bệnh thủy đậu
LSO-Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch, bệnh trên diện rộng, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống cho bản thân và gia đình.
Nhân viên y tế bôi thuốc sát trùng cho học sinh mắc thủy đậu |
Bà Dương Thị Thiết, nhân viên y tế Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm ngoái trường chỉ có vài ca mắc bệnh, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng trường có đến 5 – 6 học sinh bị bệnh thủy đậu. Trước tình hình đó, nhà trường đã chủ động cho số trẻ bị mắc bệnh nghỉ học và cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày để tránh lây lan sang các học sinh khác. Đồng thời tuyên truyền cách phòng tránh cho phụ huynh học sinh. Nhờ sự chủ động đó, đến hết tháng 4, trường không còn học sinh mắc thủy đậu.
Được biết, từ tháng 3 đến tháng 5 là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 220 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng tới trên 180 ca so với cùng kỳ năm 2016. Số ca mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi, hiện chưa ghi nhận ca nào bị biến chứng nặng. Hầu hết các ca bệnh đều được điều trị ổn định tại các trạm y tế xã, phường.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu do vi rút Varicella Zoster gây ra, rất dễ lây truyền, có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những ban đỏ ở vùng đầu, mắt, rồi lan ra toàn thân. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài từ 5-10 ngày.
Tuy là bệnh lành tính, nhưng bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Vì thế, ngoài việc ăn uống tăng cường sức đề kháng, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng thủy đậu; tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên, vắc xin có thể tiêm cho người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu) để phòng bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay tình hình thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhiều, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, đặc biệt là trẻ em khiến cho bệnh thủy đậu dễ lây lan. Vì vậy, ngành y tế tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng; vận động người dân đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu đầy đủ; phối hợp với các nhà trường và cán bộ y tế trường học tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh, thầy cô và học sinh thực hiện vệ sinh sát trùng, lau rửa đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh lớp học bằng hóa chất Cloramin B. Trẻ đến lớp được hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bệnh thủy đậu nếu bị có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng nếu chủ động các biện pháp phòng, chống, người dân có thể ngăn ngừa mắc bệnh. Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đối với gia đình có trẻ bị mắc bệnh hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi cần thì phải đeo khẩu trang; vệ sinh phòng ở, đồ chơi và cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe, tránh biến chứng nguy hiểm.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()