Phòng, chống ma túy, mại dâm trong đoàn viên thanh niên
LSO-Thời gian qua, đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, nỗ lực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho ĐVTN để đẩy lùi tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy và mại dâm. Nhờ đó, ĐVTN vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm qua từng năm.
Đoàn thanh niên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới |
Thực tế, thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ mắc tệ nạn xã hội cao do thiếu hiểu biết, nông nổi, bồng bột… Trong khi tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, biến tướng để qua mắt lực lượng chức năng. Điều đó đòi hỏi không chỉ lực lượng chức năng mà các ban, ngành, đoàn thể, nhất là các tổ chức đoàn phát huy vai trò định hướng, giáo dục, tuyên truyền để thanh thiếu niên phát triển lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Chị Tô Thị Thu Hà, Phó trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết: Mỗi tháng 1 lần, 20 thành viên của Đội Thanh niên xung kích Tỉnh đoàn trực tiếp xuống 1 xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bằng các hoạt động văn hóa quần chúng, thông qua các bài hát, câu chuyện kể, tờ rơi, văn bản luật…, ĐVTN và người dân các xã được cung cấp các kiến thức về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm. Bên cạnh đó, mỗi đoàn cơ sở tùy theo đặc thù của mình đều tổ chức sinh hoạt đoàn, ngoại khóa lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền khác như hội thi văn hóa văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện chuyên đề về ma túy, mại dâm, đạo đức, lối sống lành mạnh cho ĐVTN. Qua đó đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của hàng chục nghìn ĐVTN và người dân.
Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp trực tiếp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm được 12 cuộc, trong đó có 2 cuộc cấp tỉnh cho ĐVTN, cán bộ đoàn hội làm công tác kiêm nhiệm tuyên truyền pháp luật tại cơ sở ở các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Để ĐVTN có môi trường phát triển lành mạnh, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, bên cạnh công tác tuyên truyền, hằng năm, các cấp bộ đoàn giúp đỡ hòa nhập cộng đồng cho trên 220 thanh niên chậm tiến, thanh niên nghi nghiện, có dấu hiệu mắc tệ nạn xã hội ở 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có trên 9.000 lượt ĐVTN được tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Chủ yếu là các nghề về nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông cụ… Hiện tại, Tỉnh đoàn đang trực tiếp quản lý 16 dự án vốn 120 về giải quyết việc làm cho thanh niên với kinh phí 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 11.000 hộ vay ủy thác 280 tỷ đồng. Anh Nguyễn Viết Chung, Phó Ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn cho biết: “Nhờ được tuyên truyền, giáo dục nên nhận thức của thanh niên về phòng, chống tội phạm, tránh xa ma túy, mại dâm đã tác động từ suy nghĩ đến hành động của ĐVTN. Nhiều bạn trẻ đã dám nghĩ, dám làm, vay vốn phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 250 ĐVTN làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng trở lên, góp phần không nhỏ ổn định tình hình trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
Hiện Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã gửi văn bản cho Tỉnh đoàn Lạng Sơn về việc cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại các huyện nghèo và cho vay đối với hộ gia đình bị nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương. Theo Ban Công tác thanh niên, thời gian tới, Ban sẽ tham mưu để Ban Chấp hành Tỉnh đoàn triển khai nội dung của văn bản đến 100% đoàn cơ sở và hơn 440 tổ tiết kiệm vay vốn. Từ đó sẽ có cách làm cụ thể, hiệu quả để áp dụng trong những năm tiếp theo. Nếu việc cho vay vốn sớm được thực hiện sẽ là biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế, góp phần phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
THANH HÒA
Ý kiến ()