Phòng chống lụt bão ở Na Sầm: Chủ động ứng phó
LSO- Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng có địa hình thấp và dòng sông Kỳ Cùng chảy qua. Mỗi năm cứ đến mùa mưa là hàng trăm hộ dân trên địa bàn thị trấn phải đối mặt với tình trạng ngập úng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như sinh hoạt của bà con nơi đây.
Nỗi lo mùa nước lũ
Nhiều ngày nay, bà Vũ Thị Thạo, người dân khu I, thị trấn Na Sầm không khỏi lo lắng khi mực nước tại sông Kỳ Cùng dâng cao do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Khu I nằm ở khu vực cầu Na Sầm, nơi thấp nhất của thị trấn nên đây là nơi ngập đầu tiên nếu nước lũ dâng. Vừa kiểm tra mực nước tại cầu, bà Thạo chia sẻ: năm 2014, nhà tôi bị nước ngập trắng nóc hai lần. Năm nay, khi bắt đầu mùa mưa bão, gia đình tôi luôn cắt cử người theo dõi tình hình nước sông. Đặc biệt những ngày này, chúng tôi đều không thể chợp mắt do mực nước mỗi lúc một cao.
Bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm cho biết: do địa hình thấp, có dòng sông chảy qua, lại có nhiều khe dọc từ dãy núi đổ về nên mỗi khi có bão hay mưa lớn là nước dâng lên gây tình trạng ngập úng. Toàn thị trấn có 8 khu thì có đến 6 khu trong diện bị ngập. Trong đó thấp nhất phải kể đến khu I, khu V, khu VI và thôn Bản Tích.
Từ năm 2013 trở lại đây, thị trấn thường xuyên đối mặt với ngập úng, trung bình từ 4-5 đợt/ năm. Thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2014, mưa lũ đã phá hủy gần 2 ha lúa và rau màu, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Ngoài ra, ngập úng còn cản trở việc lưu thông trên các tuyến giao thông gồm: đường tỉnh 232; quốc lộ 4A; đường 13-10 và đường Hàng Dã trong khu nội thị.
Nước sông Kỳ Cùng dâng cao tại thời điểm ngày 30/7/2015 Ảnh: B.T
Chủ động phòng chống lụt, bão
Để phòng chống lụt, bão hiệu quả, ngay khi bắt đầu mùa mưa, UBND thị trấn đã xây dựng bản đồ phân vùng ngập úng, lũ quét, gió lốc, sạt lở đất… Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm cho biết: Trước thời điểm xảy ra mưa bão, chúng tôi liên tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thông báo kịp thời cho bà con biết cách phòng tránh. Đồng thời, huy động nhân dân các khu khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương trước và sau mỗi vụ mùa.
Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống lụt bão năm nay thị trấn dựa vào địa hình của mỗi khu để xây dựng phương án phòng chống hiệu quả. Cụ thể: những hộ dân ở khu III, IV, V và thôn Bản Tích, khi có ngập úng xảy ra sẽ di chuyển theo đường Hoàng Văn Thụ để đến các địa điểm an toàn là Trung tâm Chính trị huyện, nhà đa năng Huyện ủy, UBND huyện. Khu I, II di chuyển theo trục đường Lương Văn Tri đến trung tâm chợ Na Sầm.
Bên cạnh đó, UBND thị trấn cũng phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Công an huyện trong việc triển khai phương án cứu hộ cứu nạn. Các phương tiện được chuẩn bị tại chỗ gồm: 20 phao cứu sinh, gần 10 bè, mảng, một số xe cơ giới của các doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn.
Bà Phùng Thị Phương, Trưởng khu I, thị trấn Na Sầm cho biết: khu I có trên 100 hộ dân, trong đó gần 30 hộ sinh sống bên kia cầu Na Sầm. Khi nước dâng cao tràn cầu gây tình trạng cô lập. Đến thời điểm hiện tại, mực nước chỉ còn cách cầu 1 m, chúng tôi đã sử dụng loa đài để cảnh báo đến các hộ dân chuẩn bị tinh thần sơ tán.
Mùa mưa năm 2015 đã bắt đầu và được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Chính quyền thị trấn Na Sầm đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt kế hoạch đề ra nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả của mưa bão.
KHÁNH TRANG
Ý kiến ()