Phòng chống lụt bão ở Lộc Bình: Chủ động, đúng phương châm và nguyên tắc
LSO- “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả” là phương châm huyện Lộc Bình đề ra trong năm 2018, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Lộc Bình nằm trong lưu vực của sông Kỳ Cùng. Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết trên địa bàn huyện phức tạp, bất thường, vào mùa mưa hay xảy ra lũ lớn, lũ quét cục bộ, ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến các công trình giao thông. Đơn cử năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, số 7, gây mưa lớn kéo dài làm sập đổ hoàn toàn 2 nhà dân; cuốn trôi trên 20 con gia súc; sạt lở 4 phòng học Trường THCS xã Nam Quan, 2 phòng học của Trường Mầm non xã Tam Gia; làm hư hỏng một số tuyến đường giao thông cùng nhiều tài sản khác của nhân dân, ước tính tổng thiệt hại hơn 777 triệu đồng.
Để phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại, năm nay, UBND huyện Lộc Bình xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN từ sớm. Các năm trước, UBND huyện thường ban hành kế hoạch vào tháng 5 nhưng năm nay đã ban hành ngay trong tháng 3 với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
Chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình kiểm tra trang thiết bị phòng chống lụt bão
Ông Lương Trọng Quỳnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Lộc Bình cho biết: Năm nay, UBND huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân xác định rõ trách nhiệm trong hoạt động phòng chống lụt bão. Các cấp, ngành trong huyện phải nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý kịp thời các tình huống tại chỗ; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai, lụt bão đến cộng đồng dân cư. Người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt cần tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai, lũ lụt.
Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, các tổ chức, cá nhân trong huyện đã và đang triển khai công tác phòng chống lụt bão một cách chủ động và tích cực. Từ tháng 4/2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trong huyện đã thu nộp Quỹ phòng chống thiên tai năm 2018 được 479 triệu đồng (đạt 96% kế hoạch). Trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với bão lụt cũng được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện chuẩn bị đầy đủ bao gồm 1 xuồng ST 450, 20 bè mảng, 150 chiếc phao áo cứu sinh, 150 chiếc phao trong cứu sinh cùng các vật dụng khác (đèn pin, áo mưa, ủng…).
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Phòng NN&PTNT phát huy tích cực vai trò là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, phòng thường xuyên đôn đốc các đơn vị chủ động thực hiện các phương án phòng chống lụt bão. Các thành viên trong ban cũng trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Ở cấp xã, UBND xã cũng cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và TKCN tại địa bàn; tổ chức lực lượng trực ban 24/24 giờ theo quy định và phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý hồ chứa nước, kiểm tra an toàn các hồ chứa, sẵn sàng khi có sự cố xảy ra; rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng thấp, có nguy cơ sạt lở, chủ động sơ tán người dân; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Với sự chủ động từ các phòng, ban chức năng, nhân dân cùng với phương châm và nguyên tắc phù hợp như trên, tin rằng công tác phòng chống lụt bão sẽ được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
MINH ĐỨC - TRANG VÂN
Ý kiến ()