Phòng chống HIV/AIDS ở Đình Lập: Tăng cường công tác tuyên truyền
LSO-Tuy không phải là “điểm nóng” trên bản đồ nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Lạng Sơn, song những năm qua cùng với công tác vận động xét nghiệm phát hiện, huyện Đình lập luôn chú trọng công tác tuyên truyền phòng lây nhiễm trong nhân dân.
LSO-Tuy không phải là “điểm nóng” trên bản đồ nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Lạng Sơn, song những năm qua cùng với công tác vận động xét nghiệm phát hiện, huyện Đình lập luôn chú trọng công tác tuyên truyền phòng lây nhiễm trong nhân dân.
Phụ nữ dân tộc Dao, xã Lâm Ca (Đình Lập) trong buổi truyền thông lồng ghép |
Từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/1998, trong 15 năm qua, trên địa bàn huyện Đình Lập đã có 14 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 9 ca tử vong. Điều đáng chú ý là đã có 5/ 12 xã, thị trấn có người nhiễm, trong đó có các xã vùng xa, vùng khó khăn. Phân tích các ca nhiễm có thể thấy 50% lây truyền qua đường máu (tiêm chích ma túy) và 50% lây qua đường tình dục và có những trường hợp cả 2 vợ chồng cũng bị nhiễm và đã tử vong.
Từ sự phân tích trên cho thấy công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn cần được quan tâm một cách toàn diện từ phòng chống ma túy, mại dâm đến đối tượng phụ nữ có thai. Là địa phương có nhiều xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, trình độ dân trí chưa cao, hiểu biết về HIV/AIDS chưa sâu nên khâu tuyên truyền được coi là yếu tố quan trọng nhất vừa để vận động người dân tham gia xét nghiệm phát hiện, vừa chống tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử và nâng cao kỹ năng phòng tránh cho người dân. Trong điều kiện địa phương chỉ có kinh phí thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS mà không được thụ hưởng các dự án tài trợ tuyên truyền và can thiệp giảm hại, Đội Y tế dự phòng (YTDP) thuộc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập đã khắc phục khó khăn bằng cách tăng cường truyền thông phòng chống HIV/AIDS lồng ghép vào các chương trình. Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, sự lồng ghép của ngành y tế vào chương trình phòng chống TNXH, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chương trình nâng cao kiến thức bình đẳng giới…Về phần mình, sự lồng ghép được thể hiện ngay với các chương trình của ngành y tế như khi phụ nữ có thai đi khám thai theo kỳ tại các trạm y tế, tại các chiến dịch truyền thông dân số/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền phòng chống lao, sốt rét…, cán bộ y tế vận động họ cho lấy máu gửi đi xét nghiệm sàng lọc HIV. Các trạm y tế khi khám bệnh cho bệnh nhân, thấy người nghi nhiễm thì tư vấn cho họ tham gia xét nghiệm phát hiện. Phương thức này đã mang lại hiệu quả khá tốt, trong năm 2012, thông qua 12 cuộc truyền thông lồng ghép tại 12 xã, thị trấn với trên 7000 lượt người nghe, Đội YTDP và các trạm y tế đã vận động được 418 trường hợp tham gia xét nghiệm phát hiện HIV. Trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 12 cuộc tuyên truyền và vận động được 216 người tham gia xét nghiệm phát hiện.
Ngoài ra, thông qua chính quyền, các đoàn thể, ngành y tế nắm được số lượng người nghiện chích ma túy trên từng địa bàn, tư vấn cho họ không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục lành mạnh và tham gia xét nghiệm tự nguyện để phát hiện HIV. Cũng thông qua người nhiễm đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế Cao Lộc tạo thành một kênh tuyên truyền về tác dụng của xét nghiệm phát hiện sớm, nếu bị lây nhiễm sẽ được điều trị ARV để kéo dài và nâng cao chất lượng sống.
Tuy vậy, nhận thức của người dân về HIV/AIDS vẫn còn nhiều hạn chế. Y sĩ Hoàng Thị Pù, Đội trưởng Đội YTDP của Trung tâm Y tế Đình Lập- người trực tiếp phụ trách chương trình HIV/AIDS nói rằng, sự nhìn nhận của người dân về HIV/AIDS vẫn chưa sâu. Mặc dù đã hiểu con đường lây truyền song kỹ năng phòng tránh của họ còn rất thấp. Tại địa phương vẫn còn 2 trường hợp nhiễm, tuy đã được tư vấn song vẫn chưa tham gia chương trình ARV. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của các xã thị trấn rất khó khăn, nhất là giao thông, nên mỗi lần truyền thông các cán bộ rất vất vả, kinh phí hỗ trợ lại quá thấp nên hiệu quả của truyền truyền vẫn chưa được như mong muốn. Chị cho rằng, tăng kinh phí cho các địa phương có số nhiễm cao đã đành, nhưng quan tâm đến địa phương có số mắc còn ít như huyện Đình Lập là biện pháp tốt để làm công tác dự phòng. Vấn đề này vừa mang ý nghĩa xã hội vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
MINH HỒNG
Ý kiến ()