Phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của cộng đồng và xã hội
LSO-HIV/AIDS là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân; ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được xác định là nhiệm vụ phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân.
Diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016 |
Tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến 31/10/2016, toàn tỉnh đã phát hiện 2.911 người nhiễm HIV, trong đó có 2.752 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 2.059 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS hiện nay đang còn sống là 852 người; số ca nhiễm HIV mới trong vòng 5 năm trở lại đây trung bình khoảng 50 ca mỗi năm; hơn 70% người nhiễm nằm trong độ tuổi từ 20 đến 39. HIV/AIDS đã xuất hiện ở 11 huyện, thành phố với 154/226 xã, phường, thị trấn. Trong đó: thành phố Lạng Sơn là địa bàn có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất, tiếp theo là các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; sự tham gia tích cực của gia đình và cộng đồng. Hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng. Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng; hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Vì vậy, số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS hằng năm đều giảm. Cụ thể, tính đến 2015, số người nhiễm HIV giảm 34%, bệnh nhân AIDS giảm 65% và tử vong do AIDS giảm 64% so với năm 2010. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện, chích ma túy giảm từ 28,3% năm 2006 xuống còn 6,4% năm 2015; vấn đề kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV đã giảm so với các năm trước đây.
Những kết quả Lạng Sơn đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS vừa qua là rất quan trọng, đạt mục tiêu đề ra về kiểm soát tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Với những nỗ lực đó, từ năm 2008 đến nay, Lạng Sơn không còn trong danh sách 10 tỉnh trọng điểm có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao trên 100 nghìn dân trong cả nước.
Tuy nhiên, HIV/AIDS có chiều hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn các yếu tố có thể bùng phát trở lại, gây tác động tiêu cực đối với xã hội nếu không có các biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Hình thái lây nhiễm HIV qua đường tình dục không an toàn ngày một tăng, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ mại dâm mặc dù đã giảm, nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận dân cư chưa có nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS, nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS còn gặp khó khăn, đặc biệt là sự cắt giảm và kết thúc tài trợ của các tổ chức quốc tế vào năm 2017. Do đó, việc kiểm soát, không để lây nhiễm mới HIV trong những năm tới sẽ là mục tiêu ưu tiên và đầy thách thức. Ngày 27/11/2016 cùng với cả nước, Lạng Sơn đã tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016, diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”.
Để phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả đòi hỏi phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Quan tâm lồng ghép công tác phòng chống HIV/AIDS trong xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp, ngành, các huyện, thành phố, từ đó góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường, giới thiệu rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu các cơ sở, dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của tỉnh để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
M.V.H
Ý kiến ()