Phòng chống đuối nước cho trẻ em dịp hè
Vừa mới đầu hè, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Bên cạnh việc giáo dục kiến thức, cần trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ.
Một lớp dạy kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: THU HÀ) |
Cuối tháng 2/2023, tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ đuối nước khiến 4 trẻ (từ 4 đến 6 tuổi) tử vong. Đây cũng là vụ tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhất tính từ năm 2018 trở lại đây và để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình và toàn xã hội.
Chiều 29/4, ba cháu nhỏ (là anh chị em ruột và họ hàng), đều trú ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được bà đưa tới khu vực hồ chứa nước Phước Hòa thuộc thôn Tây Phước để chơi. Khi phát hiện các cháu bị đuối nước, bà của các cháu tri hô người đến cứu vớt, nhưng khi đưa được lên bờ thì cả ba cháu đều đã tử vong.
Gần đây nhất, ngày 1/5, một học sinh trường THPT trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cùng gia đình đến Khu du lịch sinh thái Hải Thượng ở thôn Hải Thượng để tắm, không may bị chìm. Mặc dù đã được hô hấp, sơ cứu ngay sau đó, nhưng em đã tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè.
Theo thầy Phạm Duy Hùng, giáo viên dạy thể dục tại Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), một trong những nguyên nhân xảy ra đuối nước là do thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn, và điều quan trọng là do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Một nguyên nhân khác là, hiện nay một số địa phương còn thiếu điểm vui chơi, giải trí, cho nên tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Chị Nguyễn Thị Thắm có con đang học ở Trường THCS Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến dịp hè là phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng đuối nước ở trẻ em ở nhiều địa phương, nghe rất đau lòng. Có hai con nhỏ đang theo học, tôi và nhiều phụ huynh trong trường luôn ủng hộ chung tay với nhà trường để tạo điều kiện cho các con theo học những khóa học bơi, rèn luyện thân thể, bảo đảm vui chơi an toàn trong dịp hè”.
Trên thực tế, quá trình triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh ở các đô thị lớn và thành phố gặp ít khó khăn hơn, việc xây bể bơi mi-ni trong nhà trường đã mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc dạy cho con trẻ những kỹ năng sống cần thiết đã được chú trọng.
Tuy nhiên, tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện. Các cơ sở giáo dục vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa… thiếu điều kiện cơ sở vật chất, vì thế việc dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh vẫn chưa thật sự phổ biến. Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.
Trước kỳ nghỉ hè hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước.
Sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu…
Và để công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả, ngành giáo dục các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cũng như các dịch vụ liên quan cho học sinh…; đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trong đời sống hằng ngày.
Những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã được quan tâm và phát triển tại nhiều địa phương. Nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.
ThS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
Nguồn:https://nhandan.vn/phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-dip-he-post752073.html
Ý kiến ()