Phòng, chống đói rét cho gia súc: Hiệu quả từ sự đồng bộ
LSO-Tân Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoàng Thanh Vân phấn khởi: chống rét cho gia súc như vậy thì yên tâm, có thể coi Lạng Sơn là điểm sáng, từ đó tổng kết thành kinh nghiệm để nhân rộng ra các tỉnh khác trong khu vực.
Cục Chăn nuôi kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho gia súc trên địa bàn huyện Văn Lãng |
Ông Hoàng Thanh Vân, nguyên là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội. Trong những năm qua, giữa thủ đô Hà Nội và Lạng Sơn đã có nhiều chương trình liên kết, hợp tác mà chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mới đầu năm 2013 vừa qua, giữa ngành nông nghiệp của hai tỉnh đã ký kết hợp tác về tiêu thụ nông sản và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Cho đến nay chương trình hợp tác đang có những tiến triển tốt đẹp. Nói như vậy để thấy sợi dây kết nối giữa nông nghiệp Lạng Sơn và Hà Nội đã có từ trước. Song không phải như vậy mà ông tân Cục trưởng Cục chăn nuôi có nhận xét ưu ái về Lạng Sơn, mà thực chất nhận định ấy là khách quan, thông qua những cuộc kiểm tra thực tiễn ở cơ sở.
Có lẽ trong suốt những ngày qua, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, nhất là thời tiết tại các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là vấn đề thời sự, được sự quan tâm của dư luận cũng như các cấp quản lý. Chẳng thế mà, ngay khi mới nhậm chức Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù vẫn tất bật với việc bàn giao công tác, nhưng Cục trưởng Hoàng Thanh Vân vẫn đến kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Từ đợt rét đậm, rét hại năm 2008, với con số hơn 2,5 vạn gia súc chết rét, Lạng Sơn trở thành một trong những tâm điểm về thiệt hại do rét trong khu vực miền núi phía Bắc.
Cận Tết dương lịch, huyện vùng biên Văn Lãng chìm trong giá rét. Qua theo dõi của địa phương, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiệt độ trên địa bàn huyện Văn Lãng không nhích lên quá 7oC, có những ngày dưới ngưỡng 5oC. Nhanh tay luồn chiếc áo len cũ cho chú nghé mới sinh, anh Lương Văn Thể, thôn Hu Ngoài, xã An Hùng cười tươi rói: mặc dù đã có chuồng kiên cố, nhưng đối với nghé mới sinh vẫn phải trang bị thêm áo để tránh gió lùa, ngoài ra còn phải nấu cháo, bổ sung dinh dưỡng cho trâu mẹ, giờ cả thôn này ai cũng biết làm vậy. Gia đình anh Thể có 5 con trâu, 1 con nghé. Từ đầu mùa rét, anh đã bán bớt 1 con trâu cũng được xấp xỉ 20 triệu đồng. Anh Thể tâm sự: giờ nuôi trâu không phải để lấy sức kéo, mà chủ yếu là để bán làm hàng hóa, với diện tích chuồng và điều kiện nhân lực hiện có gia đình duy trì ổn định đàn trâu 4-5 con, còn lại bán để tái đầu tư và cũng là để tập trung chăm sóc tốt hơn cho cả đàn.
Gia đình anh Lương Công Đức, cũng ở thôn Hu Ngoài, xã An Hùng lại cẩn thận hơn, nghé mới đẻ ngay đợt rét đậm, nên không chỉ che chắn gió lùa mà anh còn kỳ công nấu cháo, đập trứng cho nghé ăn để chống rét. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: ngay trước khi có các đợt rét đậm, rét hại, huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra cụ thể công tác chống rét ở tận các thôn. Qua kiểm tra, hầu hết người chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố, dự trữ thức ăn và có những biện pháp chống rét hiệu quả. Một số hộ nghèo, cận nghèo chưa đủ lực xây dựng chuồng trại kiên cố thì cũng có bạt để chắn gió lùa và đặc biệt hầu như không còn tình trạng thả rông trâu, bò trong những ngày giá rét. Bởi thế nên tính đến ngày 25/12, toàn huyện Văn Lãng mới chỉ có 4 con bê, nghé và 1 con trâu bị chết, năm ngoái con số này là 87.
Có thể nhận thấy, sau đợt rét lịch sử năm 2008, các cấp, ngành hữu quan đã rất chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo chống rét cho gia súc từ rất sớm. Các biện pháp đề ra cũng rất cụ thể, chi tiết. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh và trực tiếp thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa bàn trọng điểm về rét, điều dễ nhận thấy là trong vòng 4 năm trở lại đây ý thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Từ việc chủ động tỉa đàn, bán bớt trâu trước mùa rét để có thể quản lý, chống rét hiệu quả hơn đến việc xây dựng chuồng trại, dự trữ thức ăn… Theo thông báo của cơ quan Thú y, tính đến ngày 25/12, toàn tỉnh có 41 con bê nghé và 3 con trâu bị chết. Trong đó không phải tất cả đều do rét, một con số rất thấp so với các năm trước đây.
Đánh giá về công tác phòng, chống đói rét cho gia súc ở Lạng Sơn, đoàn kiểm tra Cục Chăn nuôi khẳng định: Lạng Sơn triển khai các biện pháp rất đồng bộ và hiệu quả. Trong đó công tác chỉ đạo đã chủ động triển khai sớm, cụ thể và có quyết tâm cao. Mặt khác ý thức của người dân đã được nâng cao chủ động chuồng trại, làm tốt công tác tiêm phòng và dự trữ thức ăn. Đây cũng là điều kiện tốt để Cục Chăn nuôi xem xét, triển khai các dự án cải tạo giống gia súc lớn, cũng như các dự án chủ động giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tác động tích cực để thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()