LSO-Cách đây không lâu, bà Lục Thị Khoày, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đình Lập kể cho tôi nghe câu chuyện một số người dân ở xã Lâm Ca đã mời thầy mo về cúng khi trâu bị mắc bệnh. Câu chuyện thật tưởng như bịa ấy đã cho thấy trình độ cũng như nhận thức của người dân vùng khó khăn này còn rất nhiều hạn chế. Mới đây Đình Lập tiếp tục phát hiện dịch tụ huyết trùng trên trâu, bò ở 3 xã trên địa bàn.Địa bàn Đình Lập rộng, giao thông khó khăn, chính vì đặc điểm này, nên các cán bộ thú y và nhân viên thú y cơ sở có làm việc hết sức mình cũng khó mà kiểm soát được hết tình hình của đàn gia súc trên địa bàn, nếu không được sự cộng tác và cung cấp thông tin kịp thời từ người dân. Trường hợp phát dịch tụ huyết trùng lần này cũng tương tự, khi đội ngũ thú y nắm được tình hình, thì cũng là lúc diễn biến của dịch đã trở nên khá phức tạp. Khoảng đầu tháng 9, tại địa bàn xã Kiên Mộc, người...
LSO-Cách đây không lâu, bà Lục Thị Khoày, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đình Lập kể cho tôi nghe câu chuyện một số người dân ở xã Lâm Ca đã mời thầy mo về cúng khi trâu bị mắc bệnh. Câu chuyện thật tưởng như bịa ấy đã cho thấy trình độ cũng như nhận thức của người dân vùng khó khăn này còn rất nhiều hạn chế. Mới đây Đình Lập tiếp tục phát hiện dịch tụ huyết trùng trên trâu, bò ở 3 xã trên địa bàn.
|
Địa bàn Đình Lập rộng, giao thông khó khăn, chính vì đặc điểm này, nên các cán bộ thú y và nhân viên thú y cơ sở có làm việc hết sức mình cũng khó mà kiểm soát được hết tình hình của đàn gia súc trên địa bàn, nếu không được sự cộng tác và cung cấp thông tin kịp thời từ người dân. Trường hợp phát dịch tụ huyết trùng lần này cũng tương tự, khi đội ngũ thú y nắm được tình hình, thì cũng là lúc diễn biến của dịch đã trở nên khá phức tạp. Khoảng đầu tháng 9, tại địa bàn xã Kiên Mộc, người dân đi rừng đã phát hiện trâu chết. Chăn nuôi thả rông, không quản lý đàn gia súc là một tập quán chăn nuôi đã có từ lâu ở nơi đây, do vậy, việc phát hiện một con trâu chết như không mấy làm người dân bận tâm, cũng vì lý do đó họ cũng không báo cho các cán bộ chuyên môn biết. Nhưng rồi những ngày sau, số trâu chết trong rừng cứ ngày một nhiều lên, đến ngày 14/9 thú y nắm được thông tin thì đã có 2 thôn của Kiên Mộc là Bản Lự và Pắc Thút có trâu chết và mắc bệnh với triệu chứng điển hình của bệnh tụ huyết trùng. Cán bộ chuyên môn một mặt khẩn trương vận động nhân dân địa phương lùa trâu về nhà để quản lý, điều trị và thống kê, khoanh vùng, đồng thời rà soát ở toàn bộ ở các địa phương lân cận và trong toàn huyện. Kết quả, chỉ một tuần sau, với con số thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có 43 con trâu, bò bị mắc bệnh tụ huyết trùng, 36 con chết trên địa bàn các xã Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá.
Đây không phải là lần đầu tiên các địa phương này xuất hiện dịch tụ huyết trùng trên gia súc, mà cách đây 10 năm đã từng phát dịch và đến năm 2008 tiếp tục tái bùng phát, cho đến lần này chỉ cách lần trước chưa đầy 2 năm. Có thể nhận thấy tần suất xuất hiện dịch đã dày hơn, phạm vi, tính chất dịch rộng và phức tạp hơn, trong khi đó ý thức của người chăn nuôi thì gần như là chưa chuyển. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT trong quá trình kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương này đã phát biểu: Họ hoàn toàn thả rông đàn gia súc, kể cả khi đã có dịch bệnh, công tác quản lý đàn trâu, bò cũng gần như là con số không. Nhắc lại đợt rét đậm rét hại trước đây, tập quán chăn nuôi thả rông đã khiến người dân trong toàn tỉnh thiệt hại trên 2 vạn trâu, bò. Thế nhưng bài học đắt giá ấy xem ra vẫn chưa mấy tác dụng đối với những người dân nơi đây. Năm nay rét đậm, rét hại thì chưa đến, nhưng thiệt hại về dịch bệnh thì đã thấy rõ.
|
Nhân dân xã Trung Thành, huyện Tràng Định làm chuồng trại chống rét cho trâu, bò |
Đến thời điểm này các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực triển khai các biện pháp để điều trị, tiêm phòng và khống chế dịch cho các địa phương có dịch và cả những địa phương lân cận. Trong đó, chú trọng nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trâu, bò về chuồng trại để xử lý, tiêm phòng. Chống dịch như cứu hoả, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhưng dường như một bộ phận người dân trong vùng dịch vẫn coi đó là việc của cán bộ chuyên môn. Hiện nay chủ trương trong phát triển nông nghiệp là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt và tăng tỷ trọng chăn nuôi. Tuy nhiên, để phát triển được chăn nuôi, thiết nghĩ cơ quan chuyên môn, cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Đình Lập cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục tăng cường các lớp tập huấn về chăn nuôi tập trung, an toàn để tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và hơn hết là mỗi người dân cần có sự chủ động hơn nữa đối với đàn vật nuôi của mình.
Lê Minh - Hoàng Vương
Ý kiến ()