Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Phát hiện sớm, xử lý nhanh
– Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành liên quan, ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến trung tuần tháng 10/2022, cả nước ghi nhận hơn 258.000 trường hợp mắc SXH, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 102 trường hợp tử vong, tăng 81 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Trên địa bàn tỉnh, nếu như năm 2021 không có trường hợp mắc SXH, thì trong 9 tháng đầu năm nay ghi nhận 20 ca mắc SXH (11 ca mắc đi từ ngoại tỉnh trở về, 9 ca mắc trong tỉnh chưa rõ nguồn lây). Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH có nguy cơ lây lan và bùng phát trong cộng đồng, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực xuất hiện ổ dịch trên địa bàn
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để phòng chống có hiệu quả, từ tháng 7/2022, sở đã ban hành các công văn chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến từng ca mắc SXH; chủ động đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế điều trị các ca mắc. Khi có ca mắc, hệ thống phòng, chống dịch tại y tế cơ sở thực hiện ngay các biện pháp phun khử khuẩn, xử lý môi trường tại các địa điểm có ca mắc SXH. Đồng thời, ngành cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc tổ chức các chiến dịch truyền thông chuyên đề và truyền thông lồng ghép về phòng, chống SXH; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy.
Thực hiện chỉ đạo của sở, các cơ sở y tế trên địa bàn đã đẩy mạnh hoạt động giám sát dịch SXH. Cụ thể, hoạt động giám sát dịch bệnh, thu thập các mẫu lăng quăng, bọ gậy tại các gia đình có bệnh nhân mắc SXH và các khu vực lân cận được thực hiện chặt chẽ. Do vậy, những ca mắc SXH đều được phân lập, khoanh vùng và không để bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Trung tâm chủ động trong công tác điều trị các ca mắc SXH, đồng thời huy động cán bộ giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ tại nơi phát sinh ca mắc. Đơn vị cũng chỉ đạo các trạm y tế xã thực hiện ngay việc phun khóa chất, xử lý môi trường và chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống SXH với chủ đề “không có lăng quăng, bọ gậy, không có SXH”… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế kịp thời, các ca mắc được điều trị khỏi tại trung tâm đã xuất viện và qua 14 ngày theo dõi sức khỏe ổn định
Về công tác tuyên truyền, từ tháng 7/2022 đến nay, trung bình mỗi tháng, các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới gần 200.000 lượt người; tổ chức tuyên truyền qua họp cộng đồng trên 2.000 cuộc và tăng cường truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Y sỹ Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Trạm phụ trách Trạm Y tế phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 8/2022, địa bàn phường có 5 ca mắc SXH không rõ nguồn lây. Trạm đã nhanh chóng huy động nhân lực đến khu vực có bệnh nhân tổ chức phun diệt muỗi, phun khử khuẩn, đồng thời đến nhà các hộ dân trong khu vực lân cận để tuyên truyền mọi người tham gia chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường. Nhờ vậy, ổ dịch đã được kiểm soát, không phát sinh thêm ca mắc SXH mới.
Với những nỗ lực của ngành y tế, đến nay, 20 trường hợp mắc SXH trên địa bàn đều đã được điều trị khỏi và xuất viện, không có trường hợp tử vong. Những địa bàn đã có ca mắc SXH đều được giám sát, theo dõi chặt chẽ.
“Mặc dù bệnh SXH đã được khống chế nhưng mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bởi SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt khiến người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.” Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Ý kiến ()