Phòng, chống dịch nCoV: Việt Nam luôn ở mức cao hơn khuyến nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống dịch nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sáng 23/1. |
Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nCoV, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam.
Không để bị động, bất ngờ
Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch nCoV, hệ thống y tế của Việt Nam bắt đầu triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt văn bản, hướng dẫn chuyên môn về giám sát, cách ly, điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ… khi phát hiện các trường nghi nhiễm nCoV. Kịch bản phòng, chống dịch nCoV ở Việt Nam có ba cấp độ: Không lây từ người sang người, lây hạn chế, lây lan diện rộng.
Trong đó, mạng lưới y tế dự phòng tiến hành giám sát, xác định, phát hiện các trường hợp có nguy cơ nhiễm nCoV đến từ vùng dịch của Trung Quốc. Các cơ sở y tế chuẩn bị khu vực cách ly, thuốc men, thiết bị, nhân lực… để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm nCoV.
Công tác phòng, chống dịch nCoV nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo về dịch nCoV tại Trung Quốc và khả năng lây lan vào Việt Nam.
Sáng 23/1 (ngày 29 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp kiểm tra mức độ sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) với năng lực tiếp nhận tối đa khi cách ly toàn bộ bệnh viện lên tới 3.000 bệnh nhân.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt phòng, chống dịch nCoV.
Trong vòng 3 ngày 24/1-26/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có 2 cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam và WHO.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nCoV, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam. Dù phải hy sinh lợi ích kinh tế cũng phải đặt công tác phòng, chống dịch lên trên.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận 59 trường hợp nghi nhiễm nCoV. Trong đó đã xác định 2 trường hợp nhiễm nCoV là người Trung Quốc đến từ Vũ Hán; loại trừ được 32 trường hợp; đang tiếp tục cách ly, xét nghiệm 35 trường hợp.
Việc giám sát người nhập cảnh từ Trung Quốc được thực hiện qua máy đo thân nhiệt, khai báo y tế bắt buộc tại tất cả các sân bay quốc tế, cửa khẩu đường bộ. Ngành y tế chính thức kích hoạt hệ thống giám sát dự phòng toàn diện đối với các trường hợp thuộc diện nguy cơ lây nhiễm, các ca có biểu hiện nghi nhiễm tại cộng đồng, tại cơ sở y tế, đặc biệt là người nhập cảnh từ vùng dịch, đã từng đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc với người ở vùng dịch tại Trung Quốc.
Mạng lưới cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm nCoV theo phương châm “xảy ra ở đâu, điều trị ở đó”, hạn chế vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi không cần thiết. Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành sẵn sàng trang thiết bị, đội cơ động để hỗ trợ cho tuyến dưới.
Đặc biệt, tất cả các bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế.
Các bộ VHTT&DL, Công an, GTVT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không để công dân Việt Nam đến các vùng dịch đã được công bố và khuyến cáo hạn chế tối đa đi đến những vùng đã phát hiện người nhiễm nCoV tại Trung Quốc; theo dõi, quản lý chặt chẽ khách du lịch, nhất là những người đến từ vùng dịch, qua vùng dịch hoặc tiếp xúc với người ở vùng dịch tại Trung Quốc; khuyến cáo trên các chuyến bay, khử trùng máy bay đến từ Trung Quốc, phân luồng riêng cho hành khách Trung Quốc tại các sân bay quốc tế; xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh…
Tại các địa phương, nhất là những tỉnh có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch nCoV với tinh thần “hết sức cảnh giác, chặt chẽ, không chủ quan, làm tốt, nghiêm ngay từ đầu”.
Trong vòng 4 ngày 23-26/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có 3 cuộc họp về công tác phòng, chống dịch nCoV. |
Tại cuộc họp chiều 26/1, thống nhất nhận định với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng chúng ta luôn phòng dịch ở mức cao nhất nhưng không có gì phải hoang mang quá vì 2 trường hợp nhiễm nCoV ở Việt Nam là ca bệnh xâm nhập. Tình hình dịch ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, không có những biến chuyển xấu đi như Trung Quốc.
Từng tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh khi giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi: Có nguyên tắc rất quan trọng là ngăn chặn các ca lây nhiễm xâm nhập và khả năng lây lan ra cộng đồng. Giai đoạn đầu chúng ta thường rất chú trọng ngăn chặn các ca lây nhiễm xâm nhập nhưng ở giai đoạn này cần chú trọng lây từ những ca nghi nhiễm ra cộng đồng.
Chúng ta phát hiện sớm, cách ly triệt để các ca nghi nhiễm trong nội địa thì sẽ khống chế được dịch. Theo dấu được các ca bệnh, quản lý được các ca bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, tránh lây nhiễm chéo, lây nhiễm cho nhân viên y tế là những bài học rút ra từ phòng, chống dịch SARS. Nếu chỉ tập trung ngăn ở các cửa khẩu thì rất khó kiểm soát sau này.
Dịch nCoV tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. |
Trung Quốc “cách ly” nhiều thành phố
Ngày 27/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến cuối ngày 26/1, ở nước này đã ghi nhận 2.744 trường hợp nhiễm nCoV, 80 trường hợp tử vong, 461 trường hợp đang nguy kịch; xác định 3.806 trường hợp nghi nhiễm mới. Tổng cộng có 32.799 người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân nhiễm nCoV.
Ngoài ra còn có, 17 trường hợp nhiễm nCoV tại các đặc khu hành chính Hong Kong (8) và Macau (5) và vùng lãnh thổ Đài Loan (4).
Ngày 27/1, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới ngày 2/2 thay vì kết thúc vào ngày 30/1.
Các trường đại học, trường tiểu học cơ sở và trung học cơ sở, vườn trẻ trên toàn quốc sẽ hoãn bắt đầu kỳ học mới cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trung Quốc đã quyết định phong tỏa một phần thành phố Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông), cách thành phố Vũ Hán khoảng 1.100 km, từ 0 giờ ngày 27/1.
Cùng ngày, tỉnh Sơn Đông và thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) cũng thông báo tạm ngừng tất cả các tuyến xe buýt liên thành phố và liên tỉnh để kiểm soát nCoV. Trước đó, thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thiên Tân đã áp dụng biện pháp tương tự.
Chính quyền Hong Kong cấm cư dân từ tỉnh Hồ Bắc hoặc những người đã từng tới tỉnh này trong 14 ngày qua, không được vào vùng lãnh thổ này từ ngày 27/1.
Hiện nhiều nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc đang lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp hàng nghìn công dân của mình bị mắc kẹt tại Vũ Hán sau khi thành phố này đóng cửa hoàn toàn. Các khuyến cáo người dân không nên đến Trung Quốc đã được ban hành.
Chưa có quốc gia nào ngoài Việt Nam áp dụng khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc. |
Hệ thống y tế nhiều nước cảnh báo mức độ cao
Việc phát hiện các ca nhiễm nCoV xâm nhập đã đặt hệ thống y tế nhiều nước vào trạng thái cảnh báo cao độ.
Trong khu vực ASEAN, Malaysia đã phát hiện 4 trường hợp nhiễm nCoV, đều du khách Trung Quốc nhập cảnh từ Singapore. 26 bệnh viện tại nước này đã được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện y tế và nhân lực, bao gồm cả các biện pháp điều trị đặc biệt nhằm đối phó với nCoV.
Thái Lan đang là nước ghi nhận số ca nhiễm nCoV nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc, với 8 trường hợp. Mặc dù chưa có trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người được ghi nhận ở Thái Lan, nhưng Bộ Y tế nước này vẫn tiếp tục cảnh giác và thực hiện các biện pháp soi chiếu thân nhiệt để phát hiện nCoV, đặc biệt là đối với những người từ những khu vực có nguy cơ ở Trung Quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, ngày 26/1, đã xác nhận trường hợp thứ ba nhiễm nCoV. Bệnh nhân là một nam công dân Hàn Quốc, 54 tuổi, từ TP. Vũ Hán (Trung Quốc) trở về nhà hôm 20/1.
Ngày 26/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận ca nhiễm nCoV thứ năm tại hạt Maricopa, bang Arizona, trước đó, có 4 trường hợp nhiễm nCoV ở Los Angeles và Phoenix, Chicago và Seattle. Tất cả đều trở về từ TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Khoảng 100 người khác hiện đang tiếp tục được kiểm tra.
Tại Nga, Bộ Y tế nước này cho biết 7 trường hợp nhiễm nCoV được ghi nhận ở các tỉnh khu vực biên giới Trung Quốc tiếp giáp với vùng Viễn Đông của Nga.
Hiện Australia xác nhận có 4 bệnh nhân nhiễm nCoV, gồm 1 người ở bang Victoria và ba người ở bang New South Wales và trường hợp thứ năm được cho rằng “có khả năng cao” đã nhiễm virus này.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế nước này xác nhận phát hiện 3 ca nhiễm nCoV, đều là công dân Trung Quốc.
Chiều 25/1, Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu cho biết tại bang Ontario đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV. Người bệnh là một nam giới ở độ tuổi 50, vừa từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) trở về Canada.
Đến nay ngoài biện pháp soi chiếu thân nhiệt, khuyến cáo thì chưa có nước nào ngoài Việt Nam áp dụng khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc.
Trung Quốc tiến hành “cách ly” một số thành phố theo khuyến nghị của WHO. |
Khuyến nghị của WHO
Các chuyên gia của WHO cho biết hiện các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần.
Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ TP. Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%.
Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày, với các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với các loại cúm khác khiến nCoV khó phát hiện hơn.
PGS.S Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM thông tin thêm, điều tra dịch tễ đối với hai người Trung Quốc nhiễm nCoV tại Việt Nam cho thấy việc lây bệnh từ người cha sang người con bắt đầu khi người cha sốt, ho.
Mặc dù ngày 23/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định dịch nCoV tại Trung Quốc không phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng được coi là một cuộc khủng hoảng cục bộ và có thể sẽ trở thành một trường hợp khẩn cấp.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tới Trung Quốc để thảo luận cách thức kiểm soát dịch nCoV.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()