Phòng, chống dịch cúm gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
LSO-Ngày 20/2/2014, tại thành phố Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã tổ chức hội nghị phòng, chống cúm gia cầm các tỉnh phía Bắc.
Tham dự hội nghị, về phía Trung ương có ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia; đại diện các ngành Trung ương có liên quan. Đại diện một số tổ chức quốc tế có nghiên cứu, dự án hỗ trợ phòng, chống cúm gia cầm tại Việt Nam. Về phía địa phương có đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và lãnh đạo 13 tỉnh phía Bắc.
Ông Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị |
Tình hình dịch cúm gia cầm trên thế giới và trong nước trong thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2014 đến nay dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc với nhiều chủng khác nhau như H5N1, H5N2, H10N8…Riêng đối với chủng cúm A H7N9, trong những tháng đầu năm 2014, Trung Quốc đã phát hiện thêm 208 trường hợp nhiễm chủng vi rút này và đã có 20 ca tử vong. Tại Việt Nam, đến thời điểm này cả nước có 48 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 14 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 51.880 con; số gia cầm tiêu hủy là 66.388 con. Đối với cúm AH5N1 trên người, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp bị nhiễm và tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Tại Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay chưa xuất hiện bệnh, dịch.
Tại hội nghị, các đại biểu và đại diện các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận, phân tích, so sánh sự nguy hiểm của các chủng vi rút. Đồng thời dự báo xu hướng, diễn biến tình hình dịch. Đặc biệt các biện pháp đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhiễm của cúm gia cầm từ ngoài vào và các biện pháp phòng ngừa bùng phát từ nội địa của Lạng Sơn được đánh giá cao và có thể đúc rút thành các bài học kinh nghiệm. Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống cúm gia cầm thì diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước tiếp tục có xu hướng phức tạp. Đặc biệt, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bởi vậy phòng, chống dịch cúm gia cầm trong thời điểm này được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả nước.
Hội nghị đã đề ra các biện pháp cần triển khai ngay, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; tập trung chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người…Các địa phương trên cơ sở phân tích, nhận định nguy cơ, khẩn trương thực hiện các biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()