Phòng chống dịch cúm A H7N9: Bắt đầu từ nhận thức của người dân
LSO - Chỉ vài tháng trước đây, vào sáng sớm, trên quốc lộ 1A đoạn Tam Lung, xã Thụy Hùng (Cao Lộc), từng đoàn người với lồng sọt lũ lượt rẽ vào những lối mòn sang xã Bảo Lâm và lại lũ lượt kéo nhau về lúc chiều tà, thì nay thấy vắng bặt.
LSO – Chỉ vài tháng trước đây, vào sáng sớm, trên quốc lộ 1A đoạn Tam Lung, xã Thụy Hùng (Cao Lộc), từng đoàn người với lồng sọt lũ lượt rẽ vào những lối mòn sang xã Bảo Lâm và lại lũ lượt kéo nhau về lúc chiều tà, thì nay thấy vắng bặt. Nói chuyện với một bà đang chăm sóc lúa tại thôn Khuổi Mười, bà cho biết: “Trước đây cũng tranh thủ đi gánh để kiếm trăm ngàn mỗi ngày nhưng giờ đây do có cúm gà nên bị cấm ngặt. Thôi, ở nhà chăm mấy sào ruộng đã, chuyện kiếm tiền để khi nào “yên” sẽ tính”. Chợ Đồng Đăng vào buổi chiều, khách xa đã vãn, chỉ còn người dân thị trấn với cái nhịp điệu thong thả thường thấy sau một ngày bươn chải. Cùng anh Ngọc Lê Khánh, công an viên thị trấn thăm khu bán gia cầm, vẫn cứ dãy gà, vịt thịt sẵn, con nào con nấy chân bé, đầu nhỏ trông thật hấp dẫn và những lời mời chào nhiệt tình nhưng người mua đã cẩn trọng hơn khi xem gà, hỏi giá… Quầy bán gia cầm sống với các lồng to lồng nhỏ, mấy bà đang giới thiệu cho khách các loại gà ngon và ra giá: gà Bắc Giang 70 ngàn đồng/kg, gà làng ở Khánh Khê, Phú Mỹ (Văn Quan) giá 150 ngàn đồng/kg. Thấy chúng tôi quan sát kỹ từng lồng gà, một bà nhanh nhảu: “Toàn gà ta thôi. Dân Đồng Đăng không ai ăn gà thải loại Trung Quốc đâu. Mấy hôm nay, nghe đồn ở Trung Quốc có cái dịch H “gì” ấy, thì người mua không chỉ xem mà còn hỏi kỹ về “lý lịch” con gà ấy chứ. Khi được hỏi: “Tiếng là gà Bắc Giang nhưng có chuyện “nhập nhèm” cho con gà “hành quân” từ Lạng Sơn về Bắc Giang, rồi lại ngược lên Đồng Đăng hay không?”. Bà trả lời: Ở đâu không biết nhưng dân ở đây tinh lắm, nhìn là biết ngay. Dân buôn chúng tôi dại gì mà “mang vạ vào thân”.
Chính quyền và các ngành chức năng thị trấn Đông Đăng (Cao Lộc) thực hành diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm |
Gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Đình Lợi, Trưởng khu Lò Rèn (thị trấn Đồng Đăng), chúng tôi hiểu rằng người dân thị trấn biên giới này khá nhạy cảm với những diễn biến ở bên kia biên giới, nhất là tình hình dịch bệnh. Cách đây mấy năm, khi Phòng khám ĐKKV Đồng Đăng thu dung một khách du lịch từ Trung Quốc về bị nhiễm cúm A H5N1, thị trấn đã xôn xao; nay họ theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường đi của cúm A H7N9 và những diễn biến của nó. Giải thích về vấn đề này, ông Lợi nói rằng, đời sống của người dân thị trấn nói chung và khu Lò Rèn nói riêng đang cao dần lên, vì vậy, người ta đã quan tâm đến sức khỏe của chính mình và gia đình. Ông khẳng định: “Là khu dân cư có lối mòn lên khu vực Đài quan sát 05, sang Kéo Kham, song người dân ở đây có “đi” thì “đi” các mặt hàng khác, chứ không “làm” gia cầm. Tuy nhiên, cũng có người tiếp tay và chứa chấp. Song, từ vài tháng nay, khi xuất hiện dịch bệnh H7N9 tại Trung Quốc, một mặt do các ngành chức năng siết chặt lối mòn, lực lượng đai vác hết nghề nên “nằm im” chờ thời; mặt khác, người dân cũng chẳng thiết tha với cái trò chứa mầm bệnh trong nhà”. Ông cũng kiến nghị rằng, chính quyền và cơ quan chức năng ở thị trấn cần phải tuyên truyền mạnh hơn, sâu hơn, cập nhật thông tin về đại dịch này để người dân biết. Bởi vì, khi người dân nghe, xem qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ nảy sinh tâm lý: nó có đấy, nhưng vẫn ở đâu xa lắm. Chỉ có thông qua hệ thống loa truyền thanh địa phương, người dân mới thấy rằng nó đã cận kề ngay gần đây và chúng ta phải có những hành động cụ thể để đề phòng.
Làm việc với ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch UBND thị trấn, khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện trao đổi với trưởng khu Lò Rèn, ông Hanh xác nhận: “Lên tầng thượng của trụ sở UBND có thể quan sát được tần suất hoạt động của lực lượng cửu vạn khi họ xuôi lối mòn Đài quan sát 05 vào nội địa. Trước đây, việc vận chuyển gia cầm nhập lậu khá nhộn nhịp ở lối này. Nay địa phương phối hợp với các ngành chức năng “làm mạnh” nên đã vắng. Thực hiện các Công điện của Chính phủ, sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Cao Lộc về phòng chống đại dịch H7N9, song song với việc thực hiện công tác phát triển kinh tế xã hội, cấp ủy, chính quyền thị trấn Đồng Đăng coi công tác chống vận chuyển, tàng trữ, buôn bán gia cầm nhập lậu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quý 2/2013. Lãnh đạo thị trấn thường xuyên cập nhập thông tin và sự chỉ đạo của cấp trên để hành động kịp thời và kiên quyết. Song ông cũng thừa nhận là công tác tuyên truyền còn yếu, nên sự tác động đến người dân chưa cao. Thị trấn rất mong có sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện để công tác tuyên truyền ở thị trấn được thực hiện qua các kênh trực tiếp và hệ thống loa truyền thanh.
Cơ chế lây nhiễm của dịch cúm A H7N9 là từ gia cầm sang người nên song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức; sự cần thiết phải có sự kiểm tra các đàn gia cầm (gà, vịt, chim cảnh…) của các hộ gia đình trên địa bàn để nắm chắc và hướng dẫn cho người dân cách phòng hoặc khai báo kịp thời khi có “sự cố” xảy ra.
MINH HỒNG
Ý kiến ()