Phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi: Cách làm ở Hợp tác xã An Hồng
(LSO) – Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn đã giúp Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng (HTX An Hồng), xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đồng thời từng bước vươn lên trở thành HTX chăn nuôi hàng đầu của tỉnh.
Tại cuộc kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn của HTX An Hồng vào ngày 17/3/2020 vừa qua, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh đánh giá cao sự chuyên nghiệp, bài bản trong tổ chức hoạt động, chăn nuôi của HTX An Hồng, trong đó đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn; mô hình này hoàn toàn có thể phát triển, nhân rộng ra các nơi khác trên địa bàn tỉnh.
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn tại HTX An Hồng
Năm 2019, HTX bắt đầu nuôi thử nghiệm với tổng đàn là 350 con lợn thương phẩm. Thời điểm đó, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh nói chung, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX lao đao. Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX An Hồng cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, ngay khi triển khai xây dựng mô hình, HTX đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống phòng dịch. Cụ thể, để đi từ ngoài cổng vào đến chuồng trại chăn nuôi của HTX phải đi qua 3 khu nhà khử trùng bằng Cloramin B và công nghệ Ozone cũng như các bể nước vôi; các thiết bị cầm theo như điện thoại, túi xách… được tiệt trùng bằng máy. Bên cạnh đó, để vào khu chăn nuôi, người vào cần mặc quần áo, mũ, kính, khẩu trang, đeo ủng bảo hộ đúng quy định và tại các phòng khử khuẩn đều được lắp đặt hệ thống camera quan sát.
Với những trang thiết bị được đầu tư như vậy nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất để tránh lây lan mầm bệnh cho đàn lợn. Hệ thống trang thiết bị nhiều, thế nhưng thực tế chi phí không quá cao. Theo bà Hiền, một buồng khử khuẩn gồm các thiết bị như: mô tơ, bình chứa, rèm, vòi, hóa chất… tính ra chỉ 2 – 3 triệu đồng và sử dụng lâu dài. Còn lại các thiết bị bảo hộ khác giá thành cũng khá thấp, thậm chí đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi hỗ trợ luôn cho HTX.
Bên cạnh đầu tư hệ thống khử khuẩn, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, HTX còn quan tâm khâu chọn giống, thức ăn chăn nuôi, nguồn nước, vệ sinh chuồng trại, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu công việc. Theo đó, HTX lựa chọn giống ở những đơn vị cung ứng uy tín hàng đầu trong cả nước, quá trình vận chuyển giống được đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, HTX còn hợp tác với Công ty Cargrill của Mỹ tại Việt Nam cung ứng thức ăn chăn nuôi đảm bảo cũng như cố vấn kỹ thuật, trực tiếp vận hành để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với những giải pháp cụ thể đã và đang triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho HTX. Đối với lứa lợn 350 con nuôi thử nghiệm, HTX đã xuất bán với giá 86.500 đồng/kg. Hiện nay, HTX chuẩn bị xuất bán 850 con lợn thịt, đồng thời đang có 100 lợn nái và 100 lợn nái hậu bị. Hoạt động đi vào ổn định, HTX tạo việc làm cho 15 lao động và dự kiến thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô với tổng đàn lợn nái lên 200 con, lợn thịt lên 2.000 con. Bên cạnh đó, HTX đang tìm hiểu và từng bước nhân rộng mô hình nuôi lợn thương phẩm ra các huyện khác trên địa bàn tỉnh.
Từ những kết quả bước đầu cũng như những giải pháp cụ thể được triển khai thực hiện, hy vọng mô hình chăn nuôi lợn của HTX An Hồng tiếp tục được nhân rộng, qua đó, góp phần đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()