Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm: Cần chủ động trước nguy cơ cao
– Từ ngày 1/1/2022 đến nay, thực hiện giám sát dịch bệnh, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu của lợn và gia cầm tại một số xã trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm. Kết quả, có 12/20 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi và 12/28 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm (type A H5N9 và H7N9). Thực tế này cho thấy, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn và đàn gia cầm đang rất cao.
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 1/1/2022 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 thôn, ở 12 xã trên địa bàn 6 huyện. Trong đó, ổ bệnh xuất hiện nhiều nhất trên địa bàn huyện Tràng Định (tại 5 xã và thị trấn Thất Khê). Cùng đó, ổ dịch bệnh cúm gia cầm cũng xuất hiện tại thành phố Lạng Sơn và 3 huyện (Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình).
Cán bộ Thú y thành phố Lạng Sơn lấy mẫu test gia cầm chủ động tại các chợ đầu mối
Nguyên nhân các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh cúm gia cầm tiếp tục tái phát là do dịp trước Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn nhưng việc chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời, mua con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng dẫn đến lây nguồn bệnh từ nơi khác vào đàn vật nuôi của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng, trung tâm đã và đang phối hợp với phòng chuyên môn của huyện và chính quyền các xã, thị trấn khoanh vùng ổ bệnh để khống chế. Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, nhất là những trang trại, gia trại chăn nuôi lợn số lượng lớn.
Trao đổi về tình hình các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, ổ bệnh cúm gia cầm đang xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bên cạnh việc mua con giống mang vi rút bệnh và việc chăn nuôi không đảm bảo sinh học dẫn đến tái phát, thì hiện nay, không khí lạnh gia tăng, nhiệt độ chênh lệch ngày, đêm lớn… làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm, đồng thời, thời tiết mưa, ẩm… là những điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi ở lợn và cúm gia cầm trên đàn gà.
Trước thực tế đó, nhằm ngăn chặn bệnh dịch trên đàn lợn và gia cầm bùng phát diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi UBND các huyện và thành phố. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước nguy cơ lây nhiễm cao như hiện nay, UBND các huyện, thành phố đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp cơ bản chống dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Thời điểm này, phòng NN&PTNT các huyện, thành phố cùng trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã phân công và chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở phải bám sát các hộ chăn nuôi, tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn bà con chủ động phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, khu vực chăn nuôi nhằm khử trùng từ xa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên thu gom, vận chuyển chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Bên cạnh đó, vận động người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi và phải báo ngay cho cán bộ thú y khi có dấu hiệu bất thường trên đàn vật nuôi.
Ngoài ra, hiện cơ quan thú y cũng tập trung triển khai tiêm phòng bệnh cho đàn lợn, đàn gia cầm (trong gần 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiêm phòng một số bệnh cho gần 185 nghìn lượt con gia súc, gia cầm). Ngoài công tác tiêm phòng, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý động vật nhiễm bệnh vào địa bàn.
Qua trao đổi với lãnh đạo Sở NN&PTNT, chúng tôi được biết: qua lấy mẫu giám sát chủ động trong 2 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lưu hành vi rút dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm (type A) đang rất cao. Do đó, ngoài nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng thì thời điểm này, các chủ trang trại, gia trại và chủ hộ chăn nuôi lợn, gia cầm cần tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống, trong đó đặc biệt là áp dụng nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Ý kiến ()