Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc: Phát huy vai trò lực lượng thú y viên cơ sở
(LSO) – Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, lực lượng thú y viên cơ sở đã chủ động nắm tình hình, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tại chỗ. Qua đó, góp phần khống chế dịch bệnh hiệu quả.
Từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 1/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 403 thôn ở 121 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, từ tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, trong đó Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên có dịch. Bệnh đã xảy ra tại 108 thôn trên địa bàn 43 xã của 8 huyện. Là những người tiếp nhận thông tin đầu tiên từ cơ sở, lực lượng thú y viên đã nhanh chóng triển khai các bước đầu trong phòng, chống dịch, góp phần quan trọng khống chế các ổ dịch.
Thú y viên cơ sở phối hợp phun khử trùng chuồng trại gia súc tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia
Xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng là một trong những xã đầu tiên xuất hiện bệnh VDNC. Bệnh xuất hiện tại xã từ ngày 13/10/2020. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và thú y viên xã, trong tổng số 26 con trâu, bò bị nhiễm dịch có 24 con đã được chữa trị và khỏi bệnh, chỉ phải tiêu hủy 2 con.
Chị Nguyễn Thị Hà, thú y viên xã Quyết Thắng cho biết: Ngay khi dịch VDNC xảy ra tại xã, chúng tôi đã gấp rút thực hiện một số biện pháp như: rắc vôi bột, vệ sinh, che chắn chuồng trại, cách ly vật nuôi bị bệnh và bổ sung dinh dưỡng vào thức ăn cho vật nuôi. Đồng thời, báo cáo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để lấy mẫu xét nghiệm, từ đó, đưa ra kết luận và có phương án cụ thể. Chỉ trong 2 ngày từ khi tiếp nhận phản ánh của người dân, thú y xã và huyện đã phối hợp cùng người dân phun khử trùng, tiêm thuốc cho vật nuôi bị bệnh.
Trong 18 hộ chăn nuôi tại xã Quyết Thắng, gia đình anh Triệu Văn Thống là một trong những hộ đầu tiên có gia súc bị bệnh VDNC. Anh Thống cho biết: Thời điểm dịch xảy ra, đàn bò của gia đình tôi có triệu chứng lạ, tôi đã nhanh chóng thông tin tình hình đến thú y viên xã và được hướng dẫn phòng, chống dịch tại chỗ. Nhờ vậy, toàn bộ đàn bò đều được chữa trị kịp thời, đến nay đã khỏi hẳn.
Còn tại các xã chưa xảy ra dịch bệnh, lực lượng thú y viên xã cũng không ngừng theo dõi tình hình dịch, tích cực tìm hiểu, học tập các kiến thức cần thiết trong phòng, chống dịch. Từ đó, sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện dịch. Anh Vi Văn Hiếu, thú y viên tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình cho biết: Vừa qua, bệnh VDNC xuất hiện tại một số huyện. Đây là loại bệnh mới, tôi chưa từng gặp. Vì thế, tôi đã chủ động tìm hiểu thông tin trên báo, đài và theo dõi tình hình dịch bệnh. Cùng đó, tôi tìm đọc tài liệu về triệu chứng bệnh và cách xử lý tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra.
Hiện nay, toàn tỉnh có 213 thú y viên cơ sở. Theo đánh giá từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các thú y viên cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là trong công tác tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch, chương trình về các nội dung như: Phát triển chăn nuôi gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; quản lý giống vật nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin (2 hoặc 3 lần/năm); triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh… Điều này góp phần không nhỏ trong công tác phát triển chăn nuôi kết hợp với phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, nguy cơ tái bùng phát DTLCP và bệnh VDNC là rất cao. Trong công tác phòng, chống dịch, lực lượng thú y viên cơ sở là nhân tố rất quan trọng. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cùng lực lượng thú y cơ sở, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện phối hợp chặt chẽ. Qua đó, theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh để đưa ra phương án hỗ trợ người chăn nuôi kịp thời. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho lực lượng thú y viên cơ sở các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mới, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả ngay từ những bước đầu tiên.
Tại Lạng Sơn, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng chăn nuôi thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh dịch. Do vậy, công tác duy trì, phát triển lực lượng thú y viên cơ sở là rất cần thiết. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, để phát huy tốt vai trò, mỗi thú y viên cần chủ động tìm tòi, học hỏi và nỗ lực, tận tụy với công việc để ngày càng trở thành chỗ dựa tin cậy của người chăn nuôi.
Ý kiến ()