Phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân
LSO-Với trên 21.950 học sinh và trẻ nhỏ trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, thành phố Lạng Sơn có số lượng trẻ em lớn nhất toàn tỉnh. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân trong các cơ sở giáo dục được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với quyết tâm không để phát sinh và lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Giáo viên Trường Mầm non 19/5 chăm sóc giấc ngủ cho trẻ mẫu giáo |
Thực tế cho thấy, ở Lạng Sơn, mùa đông – xuân thời tiết thường lạnh ẩm. Đây là điều kiện lý tưởng cho rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút hoạt động, là những tác nhân gây bệnh cho trẻ nhỏ. Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa đông – xuân là: cúm, rubella, thủy đậu, ho gà, sởi, tiêu chảy do vi-rút Rota… Ông Ngô Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trẻ em đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trong khi đó trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. Do đó, ngay khi có công văn của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đã có văn bản gửi tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc để chủ động, kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh mùa đông – xuân.
Theo đó, các nhà trường trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa đông – xuân cho giáo viên, học sinh, phụ huynh vào buổi sinh hoạt đầu tuần và cuối tuần. Đặc biệt, đối với tiêm chủng phòng bệnh, các nhà trường tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ để kịp thời nhắc nhở phụ huynh cho trẻ đi tiêm đầy đủ. Riêng với trường mầm non, 100% trẻ được lập danh sách tiêm vắc-xin phòng bệnh để thông báo cho trạm y tế xã, phường theo dõi. Bên cạnh đó, các nhà trường tổ chức tổng vệ sinh cuối tuần, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, làm vệ sinh tại công trình cấp nước, công trình vệ sinh; tăng cường thông khí, ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào; giám sát sĩ số lớp học…
Điểm đáng ghi nhận ở địa bàn thành phố là việc duy trì công tác phối hợp giữa nhà trường và trung tâm y tế xã, phường trong việc quản lý sức khỏe học sinh. Trên cơ sở đó, định kỳ hằng năm, khi bắt đầu mùa đông – xuân, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố, xã, phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức cân đo, khám mắt, khám răng, kiểm tra sức khỏe tổng thể cho tất cả học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra định kỳ 1 lần/kỳ học và phối hợp với Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra đột xuất từ 1 đến 2 lần trong năm học ở bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục…
Là trường trung tâm của thành phố với số lượng trên 660 trẻ nhỏ, Trường Mầm non 19/5 rất chú trọng phòng, chống dịch bệnh mùa đông – xuân cho trẻ để đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng trẻ. Cô Dương Thị Thu Hoài, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đầu mùa đông – xuân, nhà trường trang bị thêm chăn đệm, trải thảm cho 13/13 lớp; bảo dưỡng, thay thế bình nước, duy trì nước ấm 24/24 giờ; nấu cơm sát giờ ăn để đảm bảo thức ăn luôn nóng; luộc khăn, ca cốc hằng tuần để diệt khuẩn. Đồng thời, tuyên truyền phòng, dịch cho trẻ trong giờ học bằng tranh ảnh; nhắc nhở phụ huynh giữ ấm, đảm bảo vệ sinh cho trẻ… Đến nay, nhà trường kiểm soát tốt tình hình sức khỏe của trẻ.
Từ đầu năm học 2017 – 2018 đến nay, ngành chức năng thành phố luôn kiểm soát được tình hình phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, chưa để xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh; duy trì sĩ số học sinh ổn định. Tuy nhiên, theo ông Ngô Hiền, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm diễn biến bệnh dịch phức tạp, do đó, phòng yêu cầu các nhà trường trong thời gian tới tăng cường giám sát, phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh; nếu có dịch bệnh xảy ra phải nhanh chóng thông báo với đơn vị, trung tâm y tế để kiểm soát tình hình.
THANH HÒA
Ý kiến ()