Phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm: Triệt tiêu nguy cơ
LSO- Nửa đầu năm 2015, diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không xuất hiện những dấu hiệu phức tạp. So với mọi năm, những ổ bệnh xuất hiện trong nửa đầu năm nay nhỏ hẹp hơn và nhanh chóng được khống chế. Một trong những yếu tố tạo sự thành công trong phòng chống dịch bệnh là triệt tiêu nguy cơ.
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT
Một trong những nội dung quan trọng của giám sát dịch bệnh là lấy mẫu giám sát. Chi cục Thú y đã tiếp tục triển khai phối hợp với dự án của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc) tiến hành lấy mẫu giám sát các bệnh nguy hiểm tại các điểm chợ đầu mối và điểm tập trung gia súc, gia cầm.
Từ trung tuần tháng 3/2015 đến đầu tháng 6/2015, đơn vị đã lấy 5.520 mẫu swab hầu họng và swab môi trường (đối với gia cầm) để xét nghiệm. Kết quả không phát hiện vi rút cúm AH7N9. Trong khi đó xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm phòng lở mồm long móng đối với gia súc, kết quả hiệu giá kháng thể bảo hộ lần lượt đạt từ 67% đến 90% đối với Type A và Type O, tỷ lệ này đảm bảo an toàn phòng bệnh.
Cán bộ Chi cục Thú y xét nghiệm mẫu, giám sát dịch bệnh
Ngoài ra, công tác giám sát, phát hiện ổ bệnh được triển khai từ Chi cục đến nhân viên thú y các xã, thị trấn. Bà Phạm Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: đội ngũ nhân viên thú y đã rất chủ động bám, nắm cơ sở, đồng thời chính những hộ chăn nuôi cũng chủ động thông tin với cơ quan thú y khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
Chính vì vậy trong nửa đầu năm 2015, một số ổ bệnh nguy hiểm trên địa bàn thành phố như lở mồm long móng, tai xanh trên đàn lợn đã được phát hiện và xử lý. Ngoài thành phố, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện lở mồm long móng (phát hiện trên đàn dê và đàn trâu) tại xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng từ trung tuần tháng 4/2015. Tuy nhiên, ổ bệnh này sau đó cũng được khống chế ngay. Trong tổng số 38 con mắc bệnh trong vòng nửa tháng đã được điều trị khỏi triệu chứng và không lây lan sang khu vực lân cận.
CHỦ ĐỘNG TIÊM PHÒNG
Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm phòng bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng lên theo từng năm. Kết quả này phản ánh sự đổi mới trong cách làm của cơ quan chuyên môn và nhận thức ngày càng cao của các hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Minh Châm, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng cho biết: từ thực tiễn chính quyền một số xã coi tiêm phòng là việc của riêng lực lượng thú y, chính vì vậy chưa cộng đồng trách nhiệm, dẫn đến tỷ lệ tiêm còn thấp. Xuất phát từ thực tế này, ngay từ đầu năm, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện căn cứ vào tổng đàn, giao chỉ tiêu, kế hoạch tiêm phòng cho từng xã và coi tỷ lệ tiêm phòng là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua. Đồng thời cử cán bộ tăng cường cho các xã còn khuyết thú y viên cơ sở để đảm bảo cán bộ chuyên môn tại chỗ. Vừa làm, vừa tuyên truyền vận động. Bởi vậy, Chi Lăng luôn là một trong những huyện có tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm cao nhất trong tỉnh.
Theo tổng hợp của Chi cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã tiêm phòng được trên 110.200 lượt con trâu, bò, tăng 171% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là tiêm lở mồm long móng với tổng số hơn 75.700 lượt con, tăng trên 400%. Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn lợn và đàn gia cầm cũng tăng từ 45% đến 50%.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: cơ bản các huyện đều triển khai tốt công tác tiêm phòng, đối với những huyện còn lúng túng, Chi cục trực tiếp cử cán bộ đôn đốc, hướng dẫn. Chẳng hạn như vừa qua, huyện Bình Gia chậm xây dựng kế hoạch tiêm, lãnh đạo Chi cục đã trực tiếp tháo gỡ, hướng dẫn triển khai, đảm bảo tiến độ chung của tỉnh.
Trong bối cảnh diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, công tác giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vẫn tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Các nguy cơ, các ổ bệnh đều được phát hiện sớm và triệt tiêu ngay, đảm bảo cho chăn nuôi phát triển ổn định.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()