Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Cần tăng cường công tác kiểm dịch thú y tại các chợ
– Theo báo cáo của ngành thú y tỉnh, thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi liên tiếp xuất hiện những ổ bệnh mới tại 10/11 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, bệnh dịch cúm trên đàn gia cầm cũng chưa thể kiểm soát và hiện có 3 chủng vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm (A/H5N1, A/H5N6 và đặc biệt là A/H5N8). Dịch bệnh trên đàn vật nuôi có diễn biến phức tạp nhưng việc kiểm dịch thú y đối với gia súc, gia cầm tại các chợ vẫn còn khó khăn.
Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có 3 chợ thường xuyên diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán gia súc, gia cầm lớn (chợ Giếng Vuông, chợ Bờ Sông, chợ Chi Lăng). Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố thực hiện kiểm dịch thú y tại các chợ được 4.078 con lợn và 64.630 con gia cầm, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, thời điểm này, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trung tâm đã tăng cường kiểm soát, kiểm dịch thú y gia súc gia cầm sống, sản phẩm gia súc, gia cầm bày bán tại các chợ trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, việc kiểm soát, kiểm dịch gia súc, gia cầm tại các chợ gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hiện tại, công tác kiểm dịch vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm quan thông qua quan sát tình trạng của con gia súc, gia cầm chứ không có máy móc hay thiết bị test (kiểm tra nhanh) hỗ trợ. Cùng đó, nhân lực của trung tâm quá ít (chỉ có 5 cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y), trong thời gian cao điểm, nhất là vào thời điểm buổi sáng, các cán bộ thú y không thể kiểm soát 100% các xe chở gia súc, gia cầm vào các chợ bởi do người kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm cũng luôn tìm cách để “trốn” việc kiểm dịch của lực lượng thú y.
Không chỉ ở các chợ trên địa bàn thành phố, tại các chợ trung tâm huyện, hoạt động kiểm dịch thú y đối với hoạt động buôn bán gia súc, gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn.
Qua trao đổi với lãnh đạo một số trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại một số huyện, chúng tôi được biết: hiện các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra nhanh gia súc, gia cầm chưa có, việc kiểm dịch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cán bộ, trong khi số lượng gia súc, gia cầm buôn bán, tiêu thụ trong mỗi ngày khá lớn. Chính vì vậy, rất khó có thể kiểm dịch 100% lượng gia súc, gia cầm ra, vào các chợ. Do vậy, nguy cơ gia súc, gia cầm bị bệnh được bán ở chợ và từ đó nguồn bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi của bà con có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trên thực tế, một số những ổ dịch bệnh phát sinh trong thời gian qua tại một số huyện, thành phố có nguyên nhân từ việc mua con giống tại các chợ. Từ thực tiễn này cho thấy: công tác kiểm dịch thú y đối với gia súc, gia cầm đang được tập kết, trao đổi, buôn bán tại các chợ rất quan trọng. Trước thực tế này, để phòng dịch bệnh lây sang đàn vật nuôi của mình, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc mua con giống về tái đàn, lựa chọn và chỉ mua con giống khi có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Đặc biệt, phải báo với cán bộ thú y cơ sở để thực hiện khám lâm sàng cho gia súc, gia cầm trước khi nhập đàn để nuôi.
“Hiện nay, công tác kiểm soát, kiểm dịch thú y đã được phân nhiệm cụ thể cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố. Mặc dù điều kiện về con người, trang thiết bị còn thiếu, nhưng để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm dịch thú y tại các chợ, nhất là các chợ đầu mối lớn, chợ trung tâm huyện. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cũng như các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các hộ kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm về sự nguy hiểm của dịch bệnh, qua đó, khuyến cáo người kinh doanh không nên buôn bán gia súc, gia cầm không có giấy tờ kiểm dịch, không rõ nguồn gốc” – Ông Nguyễn Nam Hùng cho biết thêm.
Thực tế có thể thấy: để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất, về lâu dài, bên cạnh việc tập trung đầu tư trang thiết bị phòng dịch bệnh, thì cần xem xét, ưu tiên bố trí tăng số lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp
Ý kiến ()