Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
LSO-Từ đầu năm 2017 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chủ động của người dân, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Chi Lăng phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
![]() |
Nông dân xã Hữu Kiên chăm sóc ngựa bạch |
Là một trong những hộ chăn nuôi bò với 32 con, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, thôn Mè Thình, xã Hữu Kiên luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài việc đảm bảo khu chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát với đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí hợp lý, gia đình còn thường xuyên phun thuốc, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ông Phúc cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi bò, gia đình tôi luôn thực hiện nghiêm việc tiêm phòng định kỳ; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, đặc biệt là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi đã tiêm phòng lở mồm long mong, tụ huyết trùng cho đàn bò.
Xã Hữu Kiên có khoảng 7.000 con gia súc (gồm trâu, bò, ngựa), gần 1.200 con lợn; gần 20.000 con gia cầm. Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, từ đầu năm đến nay xã đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80%.
Qua tìm hiểu, không chỉ xã Hữu Kiên, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng đều quan tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn huyện có 24.000 con trâu, bò; 2.200 con ngựa; 34.000 con lợn; 370.000 con gia cầm. Trong gần 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt tỉ lệ cao so với kế hoạch như: tiêm phòng tụ huyết trùng đạt gần 83%; tiên mao trùng đạt 140,8%; lở mồm long móng đạt 90,2%; tiêm phòng dịch tả lợn đạt 86,5%; tiêm phòng bệnh niu cát xơn, tụ huyết trùng trên đàn gia cầm đạt gần 90%… Ngoài ra, huyện còn cấp gần 500 lít thuốc phun tiêu độc khử trùng cho các xã, thị trấn, phun được trên 100 thôn, bản. Vì vậy, đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh.
Đạt được kết quả nêu trên là do ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ra văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. UBND các xã, thị trấn đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đến tận các thôn, bản, hộ gia đình kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào huyện nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch từ nơi khác đến. Đồng thời, làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm; tăng cường tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.
ĐỖ HOẠT

Ý kiến ()