Phòng, chống đại dịch COVID-19 theo tư tưởng “đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Cách đây đúng 75 năm (1947), Hồ Chủ tịch với bút danh Tân Sinh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Tư tưởng của tác phẩm không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người mới, xã hội Việt Nam mới mà còn có ý nghĩa thời sự đối với cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID – 19 hiện nay.
Với tầm nhìn chiến lược, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào cả nước xây dựng đời sống mới, nhằm xây dựng con người và xã hội mới toàn diện. Hơn nửa thế kỷ từ khi Bác đi xa nhưng tư tưởng, phong cách của Người vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19 hiện nay. Cùng với nhân loại, đất nước ta đứng trước một kẻ thù gần như vô hình, bất định và khôn lường. Một kẻ địch khiến cho cả thế giới ngừng trệ, tác động đến tuyệt đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ, ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng phải rúng động. Quan điểm về “Đời sống mới” sau 75 năm vẫn nguyên vẹn giá trị, là cơ sở lý luận và phương pháp luận trong phòng, chống đại dịch COVID -19.
Người dân thành phố Lạng Sơn được tiêm phòng COVID -19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: BẢO VY
Đọc tác phẩm “Đời sống mới” của Hồ Chủ tịch, ta thấy quá đúng, quá hay, dường như Người đã tiên tri được tình hình đất nước sau hơn nửa thế kỷ bằng khối óc thiên tài của mình và chỉ cho con cháu bước đường đúng đắn để đi đến thành công. Người viết: “Hỏi: Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới. Những người nghèo không tiền, không của thì làm đời sống mới thế nào?. Đáp: Không phải như vậy, càng giàu có càng cần làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung thì dù giàu cũng không hưởng được. Lại thí dụ: Nếu người giàu không giúp cho người nghèo ăn, ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”. Qua đó, Bác muốn nhắn nhủ tới chúng ta triết lý về tinh thần đoàn kết đối với công tác phòng, chống dịch COVID– 19 hiện nay.
Ở nước ta, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội được biểu hiện cụ thể, thiết thực trên cơ sở kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh: chủ nghĩa xã hội làm cho dân giàu, nước mạnh, là công bằng, hợp lý, mọi người đều được hưởng quyền tự do, dân chủ, được sống cuộc đời hạnh phúc. Theo Hồ Chủ tịch, “…Cái gì tốt ta phải phát triển thêm. Thí dụ: ta phải ăn ở hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất đầy đủ hơn, tin thần được vui vẻ hơn. Đó là tinh thần của Đời sống mới”. Bác cho rằng thực hành đời sống mới lúc này càng phải thực hiện tốt “cần, kiện, liêm, chính: Quân đội phải siêng tập, siêng đánh; Nhân dân phải tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng và Nhà nước trong công tác an sinh xã hội và công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho mục tiêu về mặt xã hội dân chủ, công bằng đã và đang từng bước được thực hiện hóa một cách rõ rệt, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 này. Tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong thông điệp thấm đậm tình thương yêu con người với con người, trách nhiệm của con người với đám mây mù đại dịch. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID – 19 với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, “không ai bị bỏ ngoài xã hội”. Gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã thể hiện điều đó. Các đối tượng chính sách, người nghèo, người không nơi nương tựa, người bán vé số, người yếu thế… có quyền thụ hưởng. Trong giai đoạn hiện tại, những lời dạy đó của Người đã được Đảng, Nhà nước ta trân trọng khắc ghi và thực hành xuất sắc. Đúng là khi dịch bệnh xảy ra, dù là người giàu, lắm tiền, nhiều của cũng không tránh khỏi họa. Bởi vậy, mọi người phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, không phân biệt giàu hay nghèo.
Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác đã viết: “Do nhiều người nhóm lại là thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu thì thành làng xấu, nước yếu hèn. Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt, nước mạnh. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng “Đời sống mới” thì dân tộc sẽ phú cường”. Điều đó cho thấy rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy mạnh mẽ, quyết liệt như giãn cách xã hội, “chiến lược vắcxin và biện pháp 5K” để phòng, chống dịch bệnh bước đầu thu được kết quả tích cực. Tất nhiên, mỗi cấp, mỗi ngành cùng phải vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, thôn, xóm là một pháo đài chống dịch”. Để chiến thắng trong cuộc chiến này, không có cách nào khác hơn là mỗi người dân cần ý thức được tinh thần thượng tôn kỷ luật, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch… Trong “Đời sống mới”, Bác căn dặn cặn kẽ: “Về vệ sinh đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt”. Người lại nói: “Tục ngữ có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”, mình dù nghèo, ai cũng cần ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ ít ốm đau. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”…
SARS-CoV-2 không phân biệt người già hay người trẻ, gái hay trai, giàu hay nghèo, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Chỉ cần vài người lơ là lập tức tạo kẽ hở trong phòng, chống dịch thì tác hại sẽ khôn lường. Quan điểm của Hồ Chủ tịch trong tác phẩm “Đời sống mới” vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay. “Đời sống mới” là tác phẩm kinh điển phản ánh một cách sinh động, sâu sắc và thuyết phục, những nội dung mà Hồ Chủ tịch về xây dựng đời sống văn hóa cho Nhân dân trong tác phẩm chưa bao giờ lạc hậu. Vì nó đã tổng kết một cách phổ quát và tinh tế những khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống văn hóa – xã hội của một dân tộc bằng tầm nhìn vĩ mô và đi trước thời đại của chính trị gia xuất sắc – vị lãnh tụ thiên tài – nhà văn hóa lỗi lạc Hồ Chí Minh. Trong đại dịch COVID- 19, với mục tiêu “vì Nhân dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và đồng bào ta ở nước ngoài về việc phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đại đa số của Nhân dân, của đồng bào ở xa Tổ quốc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc càng gắn kết hơn trong cuộc chiến chống COVID-19; thể hiện ở sự đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, ở sự vào cuộc của mọi lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ở việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ.
75 năm qua, tác phẩm vĩ đại ấy đến nay vẫn giữ nguyên hơi thở của thời đại. Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và gian khổ đang chờ ở phía trước. Thấm nhuần những lời dạy của Bác qua tác phẩm “Đời sống mới”, chúng ta càng tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc, đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Đảng và Tổ quốc thân yêu, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết không bao giờ lùi bước, ngày chiến thắng COVID-19 chắc hẳn không còn xa.
Ý kiến ()