Phòng chống cúm gia cầm (A/H5N1): Kiểm soát chặt gia cầm tại các chợ
- Trước diễn biến phức tạp của cúm trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người), các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhiễm của chủng vi-rút này vào nội tỉnh. Trong đó, cơ quan thú y từ cấp tỉnh đến cấp huyện đang tập trung kiểm soát chặt gia cầm lưu thông ra, vào tại các chợ trên địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn phun tiêu độc khử trùng khu vực kinh doanh gia cầm sống tại chợ Giếng Vuông
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có ổ bệnh cúm gia cầm nào. Tuy vậy, qua lấy mẫu giám sát chủ động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm từ các địa bàn khác nhập vào nội tỉnh là 1,8% (tính theo số mẫu lấy xét nghiệm). Cùng đó, theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2024, tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm. Như vậy, nguy cơ xâm nhiễm bệnh cúm trên đàn gia cầm có thể xảy ra khá cao.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước những nguy cơ vi-rút cúm gia cầm, trong đó có chủng cúm A/H5N1 có thể phát sinh, xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, sở đã khẩn trương chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ động phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thực hiện lấy mẫu giám sát vi-rút cúm gia cầm tại các điểm chợ, cũng như tại những địa bàn có nguy cơ cao để thực hiện xét nghiệm, qua đó kịp thời phát hiện ổ bệnh (nếu có) để có biện pháp ngăn chặn, khống chế.
Được biết, ngay sau khi xuất hiện trường hợp bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 (tỉnh Khánh Hòa), từ 18/3/2024, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tăng cường lực lượng cán bộ thú y, chủ động giám sát gia cầm ra, vào chợ, không để gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất hiện tại các chợ. Sở cũng có văn bản gửi các lực lượng về việc tăng cường kiểm soát trên khâu lưu thông, qua đó kiểm soát chặt các nguồn gia cầm nhập vào nội tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, trong gần 3 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra các ổ bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) tại các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang, Long An với tổng số gia cầm mắc bệnh chết, buộc phải tiêu hủy là trên 6,6 nghìn con. Đặc biệt, trong tháng 3/2024, cơ quan y tế đã ghi nhận 1 trường hợp người bệnh dương tính với cúm A/H5N1. Bệnh nhân sau đó đã tử vong vào ngày 23/3/2024. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Tại các chợ trên địa bàn thành phố có hơn 80 hộ kinh doanh, buôn bán gia cầm, trong đó, chiếm hơn 80% là các cơ sở kinh doanh, buôn bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông. Số lượng gia cầm vào, ra các chợ trên địa bàn trong ngày từ 800 – 1.000 nghìn con (gà và vịt). Vì thế, để đảm bảo gia cầm các hộ kinh doanh tại các chợ không mang mầm bệnh cúm gia cầm, trung tâm cắt cử 5 cán bộ phụ trách kiểm soát tất cả những lô gia cầm đưa vào chợ thông qua kiểm tra giấy chứng nhận vệ sinh thú y, cũng như kiểm tra lâm sàng các con gia cầm sống và sản phẩm gia cầm.
Ngoài ra, hai ngày/tuần, cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y của trung tâm thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực kinh doanh, buôn bán gia cầm sống tại các chợ . “Thời điểm này, trung tâm đang cử cán bộ cùng Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đi kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, qua đó, bên cạnh kiểm tra thực hiện vệ sinh trong giết mổ, cán bộ thú y còn thực hiện kiểm tra nguồn gốc nhập vào của các cơ sở giết mổ gia cầm, từ đó nắm chắc nơi xuất xứ của gia cầm nhập vào địa bàn để nếu phát sinh ổ bệnh cúm gia cầm ở những địa phương xuất bán gia cầm thì có cơ sở để kịp thời khoanh vùng thực hiện các biện pháp phòng, chống….”- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết.
Thời điểm này, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện cũng tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán gia cầm tại các chợ, nhất là các chợ đầu mối, chợ trung tâm thị trấn. Hiện trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện đã giao cán bộ lĩnh vực thú y thực hiện giám sát thường xuyên các cơ sở hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ. Ngoài gia cầm sống, cán bộ thú y còn thực hiện kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm gia cầm được bày bán ở các chợ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn kiểm tra gia cầm được bày bán tại khu vực chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn
Cùng với các trung tâm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã và đang thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động trên gà, vịt sống đang được bày bán tại các chợ. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ: Thời gian này, chi cục tiếp tục triển khai lấy mẫu giám sát chủ động đối với các bệnh cúm gia cầm tại một số chợ đầu mối có số lượng cơ sở kinh doanh, buôn bán gia cầm sống lớn trên địa bàn tỉnh (chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn; chợ Trung tâm thị trấn Lộc Bình; chợ Na Sầm, huyện Văn Lãng...). Đồng thời, chi cục đã chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Bến Lường (Hữu Lũng) tăng cường kiểm soát các xe chở gia cầm nhập tỉnh đi qua trạm. Từ đó, giúp kịp thời ngăn chặn những lô gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm có biểu hiện bệnh… nhập vào nội tỉnh. Cùng đó, chi cục phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Trong đó, tập trung triển khai công tác tiêm phòng các loại bệnh cho đàn gia cầm trong tỉnh.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, qua lấy mẫu giám sát cúm gia cầm đã phát hiện một số mẫu dương tính tại các chợ trên địa bàn tỉnh nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh cúm gia cầm vào đàn gia cầm nội tỉnh là khá cao. Do đó, việc kiểm soát chặt gia cầm lưu thông tại các chợ sẽ góp phần ngăn chặn việc xâm nhiễm vi-rút bệnh từ các địa phương khác vào tỉnh thông quan hoạt động lưu thông gia cầm sống trên thị trường.
Ý kiến ()