Phòng chống cúm A (H7N9): Cảnh giác cao, hành động kịp thời
LSO - Xuất hiện từ tháng 4/2013, vi rút cúm gia cầm A (H7N9) vẫn tồn tại dai dẳng tại Trung Quốc và lại bùng phát trở lại vào cuối tháng 10/2015. Là một tỉnh có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm nói chung và cúm A (H7N9) nói riêng luôn được ngành y tế chú trọng.
Ngành y tế cần kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn
gốc gia cầm tại các chợ nhằm ngăn chặn cúm A (H7N9)
Đảm bảo an ninh y tế nơi cửa khẩu
Đã có kinh nghiệm trong công tác giám sát dịch cúm A (H7N9) từ tháng 4/2013 đến tháng 2/2015, giám sát Ebola tháng 8/2014 và giám sát dịch hạch tháng 12/2014, đội ngũ cán bộ nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế không có tư tưởng lơ là, chủ quan với các dịch bệnh truyền nhiễm qua biên giới. Bên cạnh đó, các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã được trang bị đồng bộ nên công tác giám sát, phát hiện, phòng chống dịch tại các cửa khẩu được thực hiện chính quy hơn, thường xuyên, liên tục và đúng quy trình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cho biết: trong tháng 10/2015, trung tâm đã thực hiện kiểm dịch y tế đối với 67.788 khách nhập cảnh, 66.287 khách xuất cảnh, trên 20.100 lượt phương tiện ô tô, tàu hỏa, đạt 100% người và phương tiện qua lại nơi cửa khẩu… Không phát hiện khách nhập cảnh có biểu hiện nhiễm các loại dịch nguy hiểm. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt vệ sinh an toàn, phòng chống dịch bệnh nơi cửa khẩu như định kỳ phun tiêu độc, khử trùng địa bàn; tuyên truyền cho khách xuất nhập cảnh cách nhận biết các biểu hiện nhiễm vi rút dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có vi rút cúm A (H7N9). Cùng đó tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu; không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, thịt gia cầm chết không rõ nguyên nhân; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống; khai báo kịp thời những biểu hiện của gia cầm chết để cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra kịp thời.
Tăng cường phòng, chống dịch
Cúm A (H7N9) là bệnh lây qua đường hô hấp, nên có tính lây truyền cao, tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, tính chất nguy hiểm trong cộng đồng tăng gấp bội. Xuất phát của cúm gia cầm A là lây từ gia cầm mang vi rút sang người, sau đó lây từ người sang người, nên muốn ngăn chặn loại vi rút này, đồng thời phải ngăn bằng 2 con đường: từ gia cầm sang người và từ người sang người.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Văn Tạo, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: đã có thời kỳ cúm A (H7N9) ở Trung Quốc “tiến” rất gần biên giới nước ta như thời kỳ tháng 12/2014 và tháng 2/2015. Tuy nhiên, do tỉnh ta đã làm tốt 2 việc: ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam và kiểm soát tốt dịch bệnh cửa khẩu nên Lạng Sơn và cả nước vẫn an toàn. Công tác phòng, chống H7N9 phụ thuộc vào sự quan tâm của nhiều ngành như nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng khu vực biên giới như hải quan, biên phòng, công an; đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới. Về phần mình, ngành y tế quan tâm chỉ đạo làm tốt các phần việc mang tính dự phòng như kiểm soát y tế quốc tế, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là xuất xứ gia cầm, an toàn giết mổ; tăng cường tuyên truyền cho người dân về nguồn gốc, cách thức lây lan, cách phòng chống cúm A (H7N9); đảm bảo các phương án phòng, chống dịch theo kịch bản đã đề ra.
Những tháng cuối năm, nhiều đợt gió mùa đông bắc từ Trung Quốc tràn về; mức di chuyển lượng khách du lịch tham quan, thăm thân, lao động giữa 2 nước sẽ tăng… cùng với đó là tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm nhập lậu còn phức tạp. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm nói chung và cúm A (H7N9) nói riêng thâm nhập vào nước ta. Cảnh giác cao, thực hiện các biện pháp an toàn… là những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch cúm A (H7N9) vào nước ta.
Bài, ảnh: Minh Hồng
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()