Phòng, chống châu chấu tre lưng vàng
Cán bộ nông nghiệp huyện Mường Chà (Điện Biên) kiểm tra diện tích ngô bị châu chấu tre lưng vàng gây hại ở xã Ma Thì Hồ.
Hiểm họa từ châu chấu tre lưng vàng
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, trong những năm gần đây, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng cho nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Cụ thể, tại Trung Quốc, châu chấu tre lưng vàng đã bùng phát trên khu vực trồng tre và cây ngũ cốc tại các tỉnh: Quảng Đông, Trùng Khánh, Chiết Giang và Giang Tô (năm 2006 – 2007), tỉnh Hồ Nam (năm 2012), một số khu vực thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Châu và Quảng Đông (năm 2017). Tại Lào, đợt bùng phát nghiêm trọng đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10-2014 ở tỉnh Luông Pha-băng (hai huyện Pon-thông và Viêng-khăm). Tiếp đó là đợt bùng phát năm 2015 và 2016, dịch châu chấu đã lan rộng đến nhiều huyện khác thuộc ba tỉnh Luông Pha-băng, Phong Xa-ly và Hủa-phanh. Hậu quả, 4.300 ha cây nông, lâm nghiệp (tre, lúa, ngô) đã bị tàn phá. Trong năm 2017, dịch châu chấu tre lưng vàng tiếp tục bùng phát trên diện rộng tại khu rừng trồng tre, lúa nương, ngô nương của 24 huyện thuộc năm tỉnh khu vực miền bắc của Lào (Luông Pha-băng, Hủa-phanh, Phong Xa-ly, U-đôm-xay và Xiêng-khoảng), ảnh hưởng đến hơn 13,776 ha, gây mất trắng 270 ha, gần 3.500 gia đình đã phải chịu ảnh hưởng bởi nạn dịch châu chấu.
Tại Việt Nam, sự xuất hiện và gây hại của châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận đầu tiên trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại bốn tỉnh phía bắc: Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ. Từ năm 2009 – 2015, châu chấu tre lưng vàng tiếp tục phát sinh, gây hại cục bộ trên cây lâm nghiệp như tre, trúc, luồng, vầu… tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Kạn và Cao Bằng. Đến năm 2016, châu chấu tre lưng vàng bùng phát thành dịch, gây hại 3.704,5 ha diện tích cây trồng nông, lâm nghiệp. Năm 2017, dịch châu chấu tre lưng vàng gây hại nặng cục bộ trên một số diện tích cây trồng lâm nghiệp tại tám tỉnh: Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn với diện tích nhiễm 3.940 ha, nhiễm nặng 2.312 ha (riêng tỉnh Bắc Kạn diện tích nhiễm 2.024 ha, tỉnh đã công bố dịch trong tháng 7-2017). Ngoài ra, châu chấu tre lưng vàng còn di chuyển phá hoại trên các cây trồng nông nghiệp gần bìa rừng như lúa, ngô, cỏ chăn nuôi,… với diện tích nhiễm 472 ha. Năm 2018, châu chấu tre lưng vàng gây hại trên cây tre trúc, luồng, vầu, lúa và ngô nương tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm 3.880 ha. Năm 2019, diện tích bị nhiễm châu chấu tre lưng vàng khoảng 1.773 ha.
Từ cuối tháng 3 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu… tại bốn tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm là 69 ha (Điện Biên 59 ha, Cao Bằng 4 ha, Sơn La 4 ha, Quảng Ninh 2 ha). Cụ thể, tại ba tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh mật độ phổ biến 100 đến 200 con/m2, mật độ cao từ 400 đến 600 con/m2, cục bộ tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2. Ngoài các loại cây tre, luồng, vầu… hiện nay, châu chấu tre lưng vàng còn được phát hiện gây hại trên cây thạch đen và cỏ dại. Trên cây thạch đen tại tỉnh Bắc Kạn, châu chấu tre lưng vàng nở tập trung thành từng ổ và gây hại với diện tích nhiễm 0,4 ha, mật độ phổ biến 100 đến 150 con/ổ. Trên cỏ dại tại tỉnh Cao Bằng, châu chấu tre lưng vàng gây hại 20,2 ha (cao hơn 12,2 ha so cùng kỳ năm 2019), mật độ phổ biến 100 đến 250 con/m2, mật độ cao 400 đến 600 con/m2. Trưởng phòng BVTV (Cục BVTV) Bùi Xuân Phong cho biết, tại Việt Nam, khi trưởng thành, châu chấu tre lưng vàng bắt đầu ghép đôi vào tháng 8, đẻ trứng từ tháng 9 đến tháng 11 trong các khu rừng tre rậm rạp, trứng phát triển và bước vào thời kỳ ngủ đông từ tháng 12 đến giữa tháng 3 năm sau, trứng châu chấu nở từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Châu chấu non phát sinh và gây hại trên cây trồng tại địa phương từ tháng 5 đến tháng 7. Tiếp đến, châu chấu trưởng thành xuất hiện, sống tập hợp thành đàn và di cư đến khu vực khác tìm nguồn thức ăn và đẻ trứng trong khoảng thời gian giữa tháng 7 đến tháng 9.
Không chủ quan, lơ là
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ các địa phương bị châu chấu tre lưng vàng xâm nhiễm và gây hại nặng với các hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, người dân về tác hại, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống; xây dựng quy trình giám sát châu chấu tre lưng vàng trên đồng ruộng; ứng dụng thử nghiệm thuốc trừ sâu sinh học trong phòng trừ châu chấu. Đồng thời, thành lập đoàn công tác sang Lào để khảo sát tình hình châu chấu gây hại và trao đổi phối hợp chỉ đạo phòng trừ châu chấu khu vực dọc biên giới giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa-phanh, tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh biên giới của hai nước để theo dõi sự di chuyển/di cư xuyên biên giới của châu chấu tre lưng vàng, kiểm soát châu chấu ngay tại khu vực phát sinh ban đầu… Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng theo đánh giá của Cục BVTV, hiệu quả kiểm soát châu chấu tre lưng vàng hiện vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do châu chấu thường sinh sản, phát sinh và gây hại trong khu vực rừng sâu, đồi cây cối rậm rạp, khó đi lại, gây nhiều khó khăn trong điều tra, phát hiện và tiến hành các biện pháp phòng trừ. Thuốc BVTV phòng, trừ châu chấu tre lưng vàng nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay đều là thuốc BVTV hóa học, điều này làm hạn chế khả năng kiểm soát châu chấu tại các khu vực gần nguồn nước và khu dân cư. Mặt khác, thuốc BVTV hóa học bị lạm dụng về lâu dài sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, tiêu diệt thiên địch và làm cho châu chấu bị kháng thuốc, trở lại bùng phát thành dịch gây hại mạnh hơn.
Hiện, đã có 11 tỉnh, thành phố ghi nhận sự xuất hiện của châu chấu tre lưng vàng. Mặc dù diện tích bị nhiễm chưa cao và mới chỉ xuất hiện cục bộ tại một số địa phương nhưng điều đáng lo ngại, châu chấu tre lưng vàng là loài côn trùng di cư, khả năng sinh sản lớn (mỗi châu chấu cái có thể đẻ từ 120 đến 150 quả trứng), khi mật độ cao chúng sống tập hợp thành đàn và gây hại trên quy mô rộng cho nên rất khó kiểm soát. Khi gặp điều kiện sinh thái thuận lợi như nhiệt độ cao, mưa nhiều, gió bão mạnh chúng sẽ phát sinh với số lượng lớn thành dịch, cắn phá trụi cây cối, di chuyển xa, mở rộng phạm vi gây hại. Nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống nguy cơ châu chấu tre lưng vàng sẽ gây thiệt hại lớn cho cây trồng nông, lâm nghiệp.
Để kiểm soát, không để dịch châu chấu bùng phát trở lại và phá hoại cây trồng trên diện rộng, đồng chí Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt những giải pháp kiểm soát châu chấu hiệu quả, ngành nông nghiệp cần tăng cường phát triển và ứng dụng biện pháp sinh học; sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng, chống châu chấu, nhất là tại các khu vực sinh sản hằng năm. Đây chính là nơi cung cấp nguồn châu chấu phát sinh gây hại ban đầu. Hiện, trên thế giới đã sử dụng thành công một số chế phẩm sinh học trong phòng, chống châu chấu như: chế phẩm từ nấm côn trùng, chế phẩm từ tuyến trùng và nguyên sinh động vật, chế phẩm vi-rút nhân đa diện,… Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong trường hợp cấp thiết như khi châu chấu bùng phát thành dịch, châu chấu tuổi lớn và trưởng thành phát sinh và bay nhảy với mật độ cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát hệ thống và cảnh báo sớm, trong đó, thực hiện giám sát chủ động thông qua sử dụng các thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và phần mềm theo dõi. Xây dựng mạng lưới giám sát khu vực để cảnh báo sớm. Duy trì và củng cố mạng lưới giám sát châu chấu cấp khu vực, đặc biệt với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào. Thời gian tới, Cục BVTV sẽ triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim) để quản lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()