Phòng, chống các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế
Tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang diễn biến rất phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, nghiêm trọng ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp, phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN).
Tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang diễn biến rất phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, nghiêm trọng ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp, phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN).
Ðể ngăn chặn các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu thuế, đòi hỏi Cục Thuế và Công an TP Hà Nội tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn, đổi mới phương pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Thực hiện quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31-10-2007 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống các hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế, Cục Thuế TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, lập chương trình, kế hoạch hành động, tạo chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả trong phối hợp. Qua năm năm (2008 – 2012), hai lực lượng đã phối hợp điều tra, xử lý được 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và phạt vi phạm về thuế gần 100 tỷ đồng; trong đó, cơ quan thuế chuyển sang cơ quan công an 850 vụ và cơ quan công an chuyển sang cơ quan thuế 1.529 vụ…
Trước tình hình những vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn TP Hà Nội, các đơn vị của hai ngành đã có những chuyên đề trao đổi thiết thực như: Ðánh giá tình hình tội phạm về thuế và một số kiến nghị nhằm tăng cường công tác phòng, chống hành vi, tội phạm về thuế trên địa bàn; công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và công an trong việc quản lý thu và chống thất thu đối với việc kinh doanh cho thuê nhà trên địa bàn quận Tây Hồ; kiến nghị phối hợp chặt chẽ giữa Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố và Cục Thuế Hà Nội; một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hành vi, tội phạm về thuế. Sự phối hợp giữa hai lực lượng đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, trấn áp có hiệu quả các tội phạm và hành vi cố tình vi phạm về thuế, ngăn ngừa, giáo dục, răn đe gian lận thuế. Qua đó, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn. Công tác phối hợp chặt chẽ cũng góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ của hai ngành. Với sự nỗ lực đóng góp, tận tụy vì công việc, đã có 14 tập thể và 21 cá nhân được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen, khen thưởng thành tích thực hiện quy chế phối hợp năm năm (2008 – 2012) nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm về hóa đơn thuế, pháp luật thuế.
Theo nhận định, tình hình kinh tế hiện nay đã và sẽ phát sinh thêm nhiều hình thức trốn lậu thuế mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, vi phạm có tổ chức, quy mô lớn, đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao khó phát hiện. Công tác phối hợp cần tập trung các lĩnh vực nóng bỏng và nổi cộm như mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bất động sản, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, thương mại điện tử… Hai ngành đã thống nhất các mục tiêu, giải pháp trong công tác phối hợp để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi, tội phạm về thuế theo những nội dung: Xây dựng phương thức đấu tranh các hành vi thành lập doanh nghiệp để mua, bán hóa đơn; trốn thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; chây ỳ, nợ thuế với số lượng lớn. Thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm và cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm mới, phản hồi những bất cập, vướng mắc trong công tác phối hợp; xử lý hình sự các vụ trốn thuế lớn. Cơ quan Công an khi thu thập tài liệu điều tra, xác minh cần cụ thể, rõ ràng và cơ quan thuế chủ động phát hiện các vụ trốn thuế để chuyển cơ quan công an xử lý.
Trên cơ sở kế hoạch theo chuyên đề của thành phố, các đơn vị quận, huyện, thị xã chủ động họp bàn kế hoạch, đánh giá và đề ra biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng, trọng điểm và điều tra các vụ việc mới phát sinh, bảo đảm thời gian. Thông báo, kết luận những vụ việc chuyển sang cơ quan công an xác minh, điều tra, nếu hết thời hạn thì thông báo để cơ quan thuế biết và có biện pháp xử lý. Ðặc biệt, trọng tâm kiểm tra ngăn chặn các hành vi gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn tự in, cố tình chây ỳ nợ đọng thuế lớn; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, báo cáo lỗ liên tục. Ðồng thời, phải nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế để có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()