Phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo: Tuyên truyền nâng nhận thức
(LSO) – Thời gian qua, các hành vi mua bán, vận chuyển pháo từ Trung Quốc vào địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm hạn chế hành vi sai phạm về pháo, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài trên 230 km tiếp giáp với Trung Quốc. Có 5 huyện biên giới, trong đó, có 20 xã và 1 thị trấn giáp biên với nhiều cửa khẩu và đường mòn, lối mở qua lại giữa hai nước. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Trong đó, các đối tượng thường vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ từ Trung Quốc qua Lạng Sơn để đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Thủ đoạn các đối tượng vận chuyển pháo rất tinh vi như: giấu pháo lẫn với các loại hàng hóa khác, giao cho nhiều đối tượng vận chuyển trên từng chặng, gửi hàng trên các xe ô tô chở khách, sẵn sàng vứt hàng khi bị phát hiện để trốn tránh trách nhiệm nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.
Trước thực trạng này, hằng năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, ban chỉ đạo phòng chống các hành vi sai phạm về pháo các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống pháo.
Cán bộ Đoàn Thanh niên xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống pháo cho đoàn viên
Kết quả, trong năm 2108, các cấp, ngành đã tổ chức được gần 7 nghìn cuộc tuyên truyền, thu hút trên 200 nghìn lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Nghị định số 167, ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, nhấn mạnh về tác hại do pháo nổ, vật liệu nổ và công cụ tự chế gây ra; mức xử phạt nếu vi phạm các quy định của pháp luật về các hành vi sai phạm về pháo, các loại vũ khí, vật liệu nổ…
Ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng, chống pháo là hình thức được nhiều tổ chức, đơn vị áp dụng. Đối tượng được ký cam kết là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, đảng viên đến hộ gia đình, cá nhân kinh doanh… Có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu trong việc tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng, chống pháo năm 2018 như: Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho trên 134 nghìn học sinh, sinh viên ký cam kết; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức cho 96% số gia đình hội viên ký cam kết; Cục Quản lý thị trường tổ chức cho gần 1 nghìn cá nhân kinh doanh ký cam kết… Thông qua việc ký cam kết, mỗi cá nhân nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống pháo cũng như tham gia đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Xác định lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh là diện có nguy cơ cao vi phạm các hành vi mua bán, tàng trữ, đốt pháo nổ, thả đèn trời nên các cấp bộ đoàn đã phát huy vai trò, đa dạng hình thức tuyên truyền phòng chống pháo như: tuyên truyền miệng, tổ chức diễn đàn, giao lưu, tuyên truyền lưu động… Chị Đinh Thị Anh Thư, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Hằng năm, 100% các cấp bộ đoàn đã phối hợp tổ chức cho đoàn viên thanh niên ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng, chống pháo. Trong năm 2018, Tỉnh đoàn đã cấp phát 8 nghìn tờ rơi, áp phích; tổ chức 7 cuộc biểu diễn văn hóa, văn nghệ lồng ghép tuyên truyền phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập 45 đội thanh niên xung kích ứng trực để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi đốt pháo nổ trái phép.
Ngoài ra, để cảnh báo, răn đe các đối tượng có ý định vi phạm quy định về pháo, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh đấu tranh, xử lý vi phạm. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 242 vụ, 294 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thu giữ hơn 14,5 nghìn ki lô gam pháo nổ các loại. Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 152 vụ, 208 bị can phạm tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hàng cấm (pháo nổ). Các cơ quan tư pháp đã thống nhất, lựa chọn xét xử lưu động 13 vụ, 13 bị cáo phạm tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hàng cấm (pháo nổ). Đây là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan phù hợp với tâm lý, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân. Do đó thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào sản xuất pháo trái phép, các vụ vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển pháo, đối tượng phần đa là người ở các tỉnh phía sau. Tình trạng đốt pháo nổ trái phép cơ bản không xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân và Tết Thanh minh.
HOÀNG HUẤN – DƯƠNG DUYÊN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()