Nước mắt ngày trở về Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Hoàng Thị H, ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng kể: Cách đây hơn chục năm, khi mới 18 tuổi, trên đường đi chợ, chị gặp một người phụ nữ cùng làng đi đâu lâu ngày mới trở về; qua mấy lời trò chuyện, chị ta rủ H đi ra thị trấn chơi, H nhận lời và rồi uống xong cốc nước H không biết gì nữa, tỉnh dậy H thấy mình ở một nơi lạ lắm… Sau nghe ngóng, H mới rõ mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Một vài ngày sau, có người hỏi H muốn tiếp khách hay lấy chồng? Biết không còn cách khác lựa chọn, chị đã nhận làm vợ trái phép một người đàn ông hơn mình gần 20 tuổi và về nhà chồng ở một vùng nông thôn Trung Quốc sinh sống… Hơn 10 năm bị ép làm vợ, chị H đã sinh được 2 người con, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn day dứt trong chị. Dần dần qua tìm hiểu, H đã tìm cách gửi thư về cho bố mẹ và trốn về thăm bố mẹ. Nhưng...
Nước mắt ngày trở về
Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Hoàng Thị H, ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng kể: Cách đây hơn chục năm, khi mới 18 tuổi, trên đường đi chợ, chị gặp một người phụ nữ cùng làng đi đâu lâu ngày mới trở về; qua mấy lời trò chuyện, chị ta rủ H đi ra thị trấn chơi, H nhận lời và rồi uống xong cốc nước H không biết gì nữa, tỉnh dậy H thấy mình ở một nơi lạ lắm… Sau nghe ngóng, H mới rõ mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Một vài ngày sau, có người hỏi H muốn tiếp khách hay lấy chồng? Biết không còn cách khác lựa chọn, chị đã nhận làm vợ trái phép một người đàn ông hơn mình gần 20 tuổi và về nhà chồng ở một vùng nông thôn Trung Quốc sinh sống… Hơn 10 năm bị ép làm vợ, chị H đã sinh được 2 người con, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn day dứt trong chị. Dần dần qua tìm hiểu, H đã tìm cách gửi thư về cho bố mẹ và trốn về thăm bố mẹ. Nhưng niềm vui đoàn tụ với gia đình chưa được bao lâu thì tấm lòng người mẹ tội nghiệp lại thôi thúc chị, H không đành lòng bỏ 2 con, mà mang con về Việt Nam là điều không thể. H đành gạt nước mắt phân ly, một lần nữa xa bố mẹ, xa quê hương, vượt biên về với con nhỏ ở nơi xa xôi kia… Cũng trong câu chuyện tâm sự với chị H, chúng tôi được biết thêm, điều khiến chị day dứt, trăn trở nhất là kẻ bất nhân đã hại đời chị vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bài học đau lòng của H cũng là lời cảnh báo tới các cô gái trẻ hãy tỉnh táo trước những lời đường mật và thủ đoạn tinh vi của bọn buôn bán người (BBN).
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia và nhiều cặp chợ đường biên và đường sắt liên vận quốc tế nối với Trung Quốc. Bên cạnh thuận lợi giao lưu kinh tế, văn hóa thì đây cũng là địa bàn mà bọn tội phạm lựa chọn để hoạt động BBN, trong đó nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2008 đến 2012, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triệt phá 109 vụ mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, giải cứu, hỗ trợ gần 200 nạn nhân (trong đó 70% số nạn nhân là người các tỉnh phía sau). Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng một nghìn phụ nữ xuất cảnh đi lao động trái phép, trong đó có một số người vắng mặt lâu ngày ở địa phương cũng bị nghi là nạn nhân của bọn BBN. Bên cạnh những thủ đoạn cũ như lừa phụ nữ kết hôn trái pháp luật với người nước ngoài, lợi dụng chính sách nhân đạo trong việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; bọn tội phạm đã lợi dụng sự phát triển công nghệ thông tin, thông qua internet, điện thoại di động để dụ dỗ, lừa gạt các nạn nhân hoặc thiết lập các đường dây gái gọi hay thiết lập các tour du lịch tình dục xuyên quốc gia. Những hậu quả đau lòng từ việc phụ nữ trở thành nạn nhân của bọn BBN đã rõ và hệ lụy của nó cũng phức tạp không kém. Trong số những phụ nữ di cư không an toàn trở về, phần lớn chị em ngoài việc gặp trở ngại về tâm lý như: mặc cảm, tự ti còn gặp khó khăn trong các vấn đề về nhập hộ khẩu, làm giấy khai sinh cho con và các chế độ, chính sách khác…
Chung tay xây dựng cuộc sống bình yên
Xác định tội phạm BBN là một loại tội phạm nguy hiểm, gây nguy hại cho trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức và lối sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Chương trình 130/CP nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm BBN. Theo đó, thời gian qua Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, lực lượng Công an, Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cộng đồng; lồng ghép Chương trình 130/CP với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo với phương châm “phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở phường, xã, thôn, bản”. Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Thời gian qua, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống BBN cho hàng ngàn lượt hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Thành lập các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em; tổ chức thăm hỏi, tư vấn và hỗ trợ cho hàng chục nạn nhân bị buôn bán trở về, góp phần giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Hơn thế, công tác tiếp nhận, hỗ trợ và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân cũng được ban, ngành hữu quan phối hợp cùng các tổ chức quốc tế thực hiện, đem lại những kết quả tích cực. Trong số gần 200 nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em trở về đều được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ… Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em được quan tâm đẩy mạnh, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, ban hành phục vụ kịp thời công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và bảo vệ hỗ trợ nạn nhân. Hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế thời gian qua cũng đã được mở rộng, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm BBN.
Tuy nhiên, trước tình hình hoạt động tội phạm BBN ngày càng diễn biến phức tạp, xu hướng quốc tế hóa, chúng ta cần có những nỗ lực cao hơn nữa, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần nhận thức rõ công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội quan trọng; tăng cường công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm BBN, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ nạn BBN ra khỏi xã hội.
Hồ Xuân Hương
Ý kiến ()