Phòng chống bệnh truyền nhiễm trong nhà trường đầu năm học mới
LSO-Thời điểm tập trung học sinh để bước vào năm học mới là thời điểm “giao mùa” với nhiều hình thái thời tiết bất thường.
LSO-Thời điểm tập trung học sinh để bước vào năm học mới là thời điểm “giao mùa” với nhiều hình thái thời tiết bất thường. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm sau một thời gian khu trú rải rác ở các khu vực dân cư, nay có cơ hội lây lan nhanh qua tiếp xúc đông người. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường cần đặt ra ngay từ đầu năm học.
Trường tiểu học chuẩn QG xã Thụy Hùng (Cao Lộc) đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn |
Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) cho biết, tình hình các bệnh truyền nhiễm trong 7 tháng đầu năm 2013 giảm so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như bệnh thủy đậu giảm 15%, bệnh tay-chân-miệng giảm trên 50%…Tuy vậy, nhiều loại bệnh tăng như bệnh tiêu chảy tăng gần 10%, đặc biệt bệnh quai bị tăng cao: gần 300% so với cùng kỳ. Có 4 loại bệnh truyền nhiễm đối với trẻ em mà các nhà trường cần quan tâm là bệnh tay-chân-miệng, thủy đậu, quai bị và tiêu chảy. Về con đường lây lan, hầu hết 4 loại bệnh này đều lây truyền theo con đường tiêu hóa và hô hấp. Vì vậy, ngoài yêu cầu thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, lớp học, đồ dùng đồ chơi, dụng cụ cấp dưỡng… trước khi tập trung học sinh; thì việc phát hiện học sinh có biểu hiện mắc bệnh và thực hiện cách ly kịp thời mang ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống sự lây lan.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác vệ sinh trường lớp trong việc phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị thật tốt công tác vệ sinh trường lớp học, coi đó là một phần quan trọng trong công tác chuẩn bị cho năm học mới. Đối với các trường mầm non và tiểu học, ngoài việc quét dọn sân trường, lớp học, việc vệ sinh sàn nhà, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; kiểm tra lại các thiết bị chuyên dùng cho nhà bếp, nhà ăn… mang ý nghĩa quyết định đến công tác phòng bệnh. Dưới sự chỉ đạo của 2 ngành Y tế và Giáo dục, các nhà trường đã nhận được nhiều hơn sự tư vấn, giúp đỡ của y tế cơ sở trong hướng dẫn cách vệ sinh trường lớp học, vệ sinh đồ dùng đồ chơi; cách pha và sử dụng thuốc sát khuẩn CloraminB để lau rửa sàn nhà, bàn ghế, phản nằm và ngâm tẩy đồ chơi cho các cháu. Cũng trong khuôn khổ của sự phối hợp, các nhân viên y tế trường học được tập huấn về cách nhận biết, phòng và cách ly trẻ bị bệnh, cách xử trí ban đầu và hướng dẫn phụ huynh xử trí những trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh, tránh lây lan ra các trẻ khác.
Nói về vấn đề này, ông Ngô Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết, các nhà trường trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự phối hợp và giúp đỡ của y tế cơ sở trong việc khám sức khỏe học sinh đầu năm và công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học. Ngay như việc Trường Mầm non xã Quảng Lạc xuất hiện 9 học sinh mắc bệnh tay-chân-miệng hồi tháng 3 vừa qua, nhờ có sự phối hợp tốt giữa Trạm y tế và nhà trường nên đã xử lý có hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng.
Trên thực tế, phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học là đã thực hiện phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn tỉnh với gần 30% dân số được bảo vệ nên công tác này được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, sự quan tâm cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, tư vấn, hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, cung cấp vật tư hóa chất và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Còn hiệu quả của việc phòng chống các bệnh học đường nói chung và bệnh truyền nhiễm nói riêng hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trường học trong việc chỉ đạo, đôn đốc đội ngũ giáo viên, đặc biệt là nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ của họ. Nhân viên y tế trường học không chỉ dừng lại ở việc trực, xử lý các ca bệnh đột xuất, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường, mà cao hơn, phải có năng lực tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh trong phòng chống các bệnh học đường, dịch bệnh; có khả năng giáo dục, hướng dẫn học sinh trong công tác vệ sinh và tự bảo vệ sức khỏe.
Hầu như đã trở thành nền nếp, công tác bàn giao học sinh từ địa phương cho nhà trường sau nghỉ hè có đủ các “thủ tục” cần thiết như nhận xét của địa phương về mức độ rèn luyện trong hè của các em để nhà trường biết. Song, cần thiết phải có sự theo dõi và “bàn giao” về tình hình sức khỏe của học sinh giữa địa phương và nhà trường. Có như vậy, công tác theo dõi sức khỏe học sinh đầu năm học mới mới có được sự liên tục từ địa phương, gia đình đến nhà trường và trở thành một “kênh” quan trọng để nhà trường nắm bắt, theo dõi sức khỏe mỗi học sinh.
MINH HỒNG
Ý kiến ()