Thứ 4, 25/12/2024 13:43 [(GMT +7)]
Phòng, chống bệnh mùa hè trong cơ sở giáo dục
Thứ 4, 18/07/2012 | 09:02:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Để chủ động phòng, chống các bệnh có thể phát sinh trong mùa hè như tiêu chảy, tả, lỵ, sốt xuất huyết và một số các bệnh khác như quai bị, thủy đậu, cúm, đặc biệt là bệnh tay, chân, miệng, Trung tâm y tế thành phố Lạng Sơn đã tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Đồng thời, chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp dự phòng tích cực; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để mọi người hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; thực hiện báo cáo hàng tuần để cơ sở nắm được tình hình, từ đó có biện pháp dự phòng chủ động, đồng thời chỉ đạo các đơn vị rà soát, đảm bảo đủ hóa chất khử trùng, vật tư, trang thiết bị để dự phòng. Ông Nông Tuấn Anh, Đội trưởng Đội y tế dự phòng Trung tâm y tế thành phố cho biết: Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Ví dụ dễ thấy nhất là bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6 – 12 tháng tuổi; tay,chân,miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi; quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ đang lớn, hệ thống miễn dịch đang từng bước hình thành, chưa thành ý thức để tự giác phòng bệnh, khi mắc bệnh rất dễ lây cho các bạn cùng lớp.
Giờ ăn của các cháu tại trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ
Theo con số thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 84 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 48 trường hợp bị tiêu chảy, còn rải rác là các bệnh quai bị, sốt, cảm cúm. Trong khi các trường tiểu học, THCS được nghỉ hè thì các trường mầm non vẫn duy trì việc chăm sóc trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Do số lượng các cháu theo học khá lớn nên các trường đều cử cán bộ y tế làm việc thường xuyên. Xây dựng kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho các cháu; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho trạm y tế xã, phường để áp dụng các biện pháp phù hợp; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe. Đến thăm Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ vào thời điểm này có 6 lớp với trên 210 trẻ đăng kí học hè. Cô Nguyễn Bích Châm, cán bộ quản lý phụ trách chuyên môn Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ, phường Tam Thanh cho biết: Trường đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch; không để thức ăn sống, chín lẫn nhau; ăn ngay sau khi nấu xong; thức ăn nấu chín được bảo quản hợp vệ sinh; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn… Đặc biệt chú trọng vệ sinh cho trẻ, quan tâm công tác phòng bệnh trong mùa hè, cho trẻ rửa tay theo đúng quy trình có sự giám sát của giáo viên; vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi, lớp học, khuôn viên trường theo chế độ ngày thay vì tuần và tháng như trước kia. Với những cháu vào sau chưa quen nề nếp sinh hoạt sẽ có chế độ rèn riêng để học cách nhận biết các đồ dùng cá nhân, giúp phòng, tránh dịch bệnh. Để công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa hè có hiệu quả, nhất là trong các cơ sở giáo dục mầm non, ngay từ những tháng đầu năm, Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép được hàng trăm cuộc, trong đó tuyên truyền bệnh sốt rét được trên 300 buổi với 170 người tham dự; sốt xuất huyết được 12 buổi cho 670 người; vệ sinh an toàn thực phẩm 88 buổi cho trên 6.000 người dự và phát hàng nghìn tờ rơi về nội dung này. Ngoài ra còn tổ chức truyền thông trực tiếp trên loa đài được 40 buổi cho trên 5.700 người nghe với nội dung phòng bệnh tiêu chảy, bệnh phong, lao và tay, chân, miệng… Từ đó người dân đã có nhiều kiến thức về phòng chống các bệnh và quan tâm đến sức khỏe của con em mình. Khi phát hiện con ốm họ đều đưa đến các cơ sở y tế để khám bệnh; tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn; nghỉ học và cách ly với lớp học để tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần có ý thức chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là trong mùa hè. Đối với bệnh lây qua đường máu như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cần vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Đối với bệnh lây theo đường hô hấp như cúm, rubela… cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Cùng với đó, các trường học cần phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế, đồng thời, tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để họ biết cách phòng tránh, đảm bảo sức khỏe bản thân và con em mình.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()