Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tăng cường kiểm soát tại các chợ
(LSO) – Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi thời điểm này vẫn diễn biến phức tạp. Để để phòng chống, cùng với việc thực hiện các giải pháp như: lập chốt kiểm dịch, kiểm soát và xử lý tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi, việc thực hiện tốt vệ sinh thú y tại các chợ cũng đang được triển khai quyết liệt.
Chợ thị trấn Lộc Bình, chợ Na Dương, huyện Lộc Bình là 2 trong những chợ hoạt động mua bán lợn giống với số lượng lớn. Cùng đó, đây cũng là 2 chợ có nhiều quầy bán sản phẩm thịt lợn. Chính vì thế, trong thời điểm này, nhất là khi trên địa bàn huyện đã có xã xuất hiện dịch bệnh, lực lượng thú y của huyện đã thực hiện kiểm soát chặt tại khu vực buôn bán lợn giống và tăng cường kiểm soát vệ sinh thú y tại chợ.
Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Lộc Bình cho biết: Không chỉ vào thời điểm này, mà từ trước đến nay, trung tâm đã phân công cán bộ thú y trực tại khu vực có bán lợn giống, vừa tổ chức tiêm phòng một số loại bệnh ngay tại chợ, đồng thời tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện dấu hiệu của bệnh nếu có. Ngoài ra, trước và sau phiên chợ, lực lượng thú y sẽ tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại khu vực buôn bán lợn.
Cán bộ thú y kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm thịt lợn tại khu vực chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn
Theo lãnh đạo Trung tâm DVNN huyện Lộc Bình, trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện số lượng lợn giết thịt từ 70 đến100 con. Do vậy, các cán bộ thú y thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với lợn thịt tại các chợ, trong đó trọng tâm vẫn là 2 chợ thị trấn.
Cũng giống như Lộc Bình, chợ Bờ sông trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là điểm diễn ra hoạt động buôn bán lợn giống, lợn thương phẩm. Ông Lý Minh Hải, Giám đốc Trung tâm DVNN thành phố cho biết: Thời điểm này trung tâm chỉ đạo cán bộ thú y tăng cường công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn giống, lợn thương phẩm tại chợ. Những cán bộ này sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch, tiêm phòng và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực buôn bán động vật nói chung, đặc biệt là kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển lợn sống, sản phẩm lợn ra vào các chợ. Ngoài ra, các sản phẩm lợn thịt được bày bán tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố như: Giếng Vuông, Đông Kinh, Chi Lăng… cũng thường xuyên được cán bộ thú y kiểm tra, kiểm soát. Nếu phát hiện sản phẩm có dấu hiện không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ thu giữ và xử lý ngay.
Không chỉ 2 địa bàn trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, lực lượng thú y của các huyện đang triển khai một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt hoạt động buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn tại các chợ đầu mối. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng cán bộ thú y của 11 huyện, thành phố đã thực hiện kiểm dịch và tiêm phòng ngay tại chợ trên 12 nghìn con lợn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với trung tâm DVNN các huyện, thành phố, lực lượng quản lý thị trường thực hiện kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn sống và sản phẩm lợn thịt ra vào các chợ nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Cùng đó, lực lượng cán bộ thú y trung bình 2 ngày thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các điểm buôn bán gia súc, gia cầm ở các chợ. Đặc biệt, thời điểm này, cơ quan thú y cũng đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, chất lượng thực phẩm lợn thịt được bày bán tại các chợ, qua đó góp phần đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm 2019 đến 26/3/2019, cơ quan chuyên môn ở các huyện và thành phố đã thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ được hơn 25 nghìn con lợn thịt. Cùng đó, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng vệ sinh thú y trên sản phẩm động vật. Qua đó, cơ quan chuyên môn đã lấy hơn 100 mẫu sản phẩm từ thịt lợn để thực hiện kiểm tra. Qua kiểm tra, các mẫu đều đạt tiêu chuẩn và không có tồn dư chất cấm trong thịt lợn. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()