Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Phòng bệnh từ xa, khoanh vùng từ sớm
– Năm 2022, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục tái phát và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng cùng với ý thức của người chăn nuôi, đến đầu tháng 10/2022, bệnh dịch này đã được khống chế gần như hoàn toàn.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2022, bệnh DTLCP đã tái phát trên địa bàn tỉnh, trong đó cao điểm là từ tháng 5/2022 đến đầu tháng 9/2022. Thống kê cho thấy, bệnh DTLCP đã tái phát tại 647 hộ/228 thôn/74 xã/9 huyện và thành phố (ngoài Hữu Lũng). Tổng số lợn chết, buộc phải tiêu hủy là 2.586 con với tổng trọng lượng 124.980 kg.
Nhân viên Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng (thành phố Lạng Sơn) vệ sinh chuồng trại chăn nuôi
Nguyên nhân khiến bệnh DTLCP tái phát mạnh là do vi-rút tả lợn châu Phi vẫn tồn lưu trong môi trường, trong khi người chăn nuôi lại chủ quan chưa thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Như trên địa bàn huyện Tràng Định, ổ bệnh DTLCP bắt đầu xuất hiện vào tháng 5/2022 ở một hộ tại xã Quốc Việt, sau đó đã lan ra thành 22 ổ bệnh DTLCP ở 169 hộ của 34 thôn trên địa bàn 14 xã. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các ổ bệnh được khoanh vùng, khống chế kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định cho biết: Để khống chế các ổ bệnh, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tích cực triển khai các biện pháp như thực hiện tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định, cung ứng hơn 400 kg vôi bột để rắc tại các khu vực có ổ bệnh và cung cấp gần 800 lít hóa chất cho cán bộ thú y các xã để thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực có ổ bệnh và phun khoanh vùng khu vực lân cận… nhằm bao vây, khống chế các ổ bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, đặc biệt là cẩn trọng trong việc mua con giống để tái đàn. Đến nay trên địa bàn huyện tất cả các ổ bệnh DTLCP đều đã qua 21 ngày và không phát sinh thêm ổ bệnh mới.
Trong phạm vi toàn tỉnh, đến đầu tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh chỉ còn một ổ bệnh DTLCP với 1 con lợn bị bệnh (tại huyện Cao Lộc).
Để đạt được kết quả trên, đầu tiên phải nói đến sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của UBND tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Khi tình hình bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2022, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời phòng, chống. Trong đó, các xã đã có ổ bệnh DTLCP tái phát, tiếp tục tập trung khoanh vùng, khống chế trong diện hẹp; xã chưa xuất hiện ổ bệnh thì thực hiện tái đàn thận trọng, đảm bảo an toàn sinh học và nguồn gốc con giống.
Theo đó, các cấp, các ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Vì vậy, khi ổ bệnh DTLCP xuất hiện, ngay lập tức được khoanh vùng, khống chế trong diện hẹp.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, từ tháng 3/2022 đến hết tháng 9/2022, Chi cục đã nhận và cấp phát hơn 11.000 lít hóa chất cho các xã xuất hiện ổ bệnh DTLCP để phun tiêu độc khử trùng khu xuất hiện ổ bệnh cũng như phun khoanh vùng, phòng vi-rút lây lan. Lực lượng thú y cơ sở đã thực hiện hiệu quả công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực có ổ bệnh cũng như phun khoanh vùng với những khu vực chưa có bệnh dịch. Qua đó, chỉ trong khoảng 4 tháng triển khai cao điểm (từ tháng 5/2022 đến cuối tháng 9/20220), bệnh DTLCP đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục lây lan và kéo dài như thời điểm của năm 2019 và 2020.
Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng các loại bệnh cho đàn lợn, đặc biệt là thực hiện tiêm phòng bệnh dịch tả lợn 2 đợt gần như liên tiếp đã góp phần tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng dịch tả được gần 98.000 con lợn, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, trong thời gian qua, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cũng đã sát sao chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, cũng như chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm soát, nắm địa bàn, giám sát chặt việc tái đàn ở những khu vực đã từng có ổ bệnh. Qua đó, nâng cao khả năng phòng, chống và xử lý nhanh chóng, kịp thời các ổ bệnh DTLCP, góp phần khống chế hiệu quả bệnh DTLCP ngay từ cấp cơ sở.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là sự vào cuộc sát sao của lực lượng cán bộ thú y từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã khống chế hiệu quả bệnh DTLCP. Từ đó, đảm bảo an toàn và tránh rủi ro cho người chăn nuôi lợn vào thời điểm cuối năm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng.
Ý kiến ()