Phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chú trọng tuyên truyền, giám sát dịch bệnh
(LSO) – Tính đến hết ngày 12/3/2019, cả nước có 17 tỉnh có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó 2 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh có lợn nhiễm bệnh tiếp giáp địa bàn tỉnh. Để phòng, chống bệnh dịch xâm nhiễm vào địa bàn, ngoài việc kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, công tác tuyên truyền, giám sát tình hình dịch bệnh trong nội địa được chú trọng.
Tại huyện Tràng Định, ngày 10/3/2019, UBND huyện có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các biện pháp. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thú y viên các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống để người chăn nuôi và nhân dân nhận thức đúng, đủ về bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thú y viên xã Đại Đồng, huyện Tràng Định kiểm tra đàn lợn tại thôn Nà Cạn.
Ông Đường Khánh Thịnh, Trưởng thú y viên xã Đại Đồng cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với trưởng các thôn tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như: thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn. Cùng với đó, thực hiện phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo ngay cơ quan chức năng để xử lý.
Không chỉ ở Đại Đồng, thú y viên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã và đang phối hợp tích cực với các tổ chức, đoàn thể xã, trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, lợn trên địa bàn ký cam kết tuân thủ quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định, toàn huyện có gần 25 nghìn con lợn. Để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, trung tâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp. Hiện trung tâm đang phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, giám sát đến từng xã, thôn, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ nhằm nắm chắc tình hình dịch bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, hiện cán bộ trung tâm đã và đang tiến hành phun tiêu độc khử trùng đợt 1 tại các xã. Ngoài ra, trung tâm phối hợp tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho khuyến nông viên, thú y viên các xã, thị trấn.
Người dân xã Xuân Mãn rắc vôi bột khử trùng khu vực chuồng nuôi lợn
Tại huyện Đình Lập, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giám sát dịch bệnh. Đến ngày 13/3/2019, cơ quan chuyên môn tổ chức cho 44 hộ giết mổ lợn ký cam kết; phun tiêu độc khử trùng cho 119 thôn, gần 2.600 hộ chăn nuôi, tổ chức tập huấn cho thú y viên, khuyến nông viên các xã, thị trấn; thành lập 2 chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại thôn Khe Đăm, xã Lâm Ca và thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng.
Không chỉ các huyện trên, hiện các xã, phường, thị trấn, UBND các huyện, thành phố, lực lượng chức năng đã và đang chủ động các biện pháp trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn. Qua đó, đến ngày 13/3/2019, cơ quan chuyên môn tổ chức 1 cuộc tập huấn cấp tỉnh, 6 lớp tập huấn tại 5 huyện biên giới và huyện Bình Gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, 11 huyện, thành phố tổ chức phun tiêu độc khử trùng, đã sử dụng trên 7.000 lít hóa chất.
Xác định thông tin tuyên truyền, giám sát dịch bệnh có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống bệnh dịch, ngày 13/3/2019, trong hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh với các huyện, thành phố, các xã, thị trấn về triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân với hình thức đa dạng như: phát tờ rơi, ký cam kết, phát trên loa truyền thanh, truyền hình, tập huấn,… Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố trích kinh phí dự phòng để in ấn, phô tô tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, tổ chức cho 100% số hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc ký cam kết thực hiện theo quy định.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()