Phòng, chống bệnh cúm gia cầm: Cảnh giác trước nguy cơ cao
(LSO) – Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6, H5N1 đã xuất hiện tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Ở nước ta, tại một số tỉnh thành và giáp ranh với tỉnh ta là Quảng Ninh đã xuất hiện 1 ổ bệnh cúm gia cầm chủng virus A/H5N6. Trước tình hình đó, ngày 3/2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Để chủ động phòng, chống cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 81/UBND-KTN ngày 5/2/2020 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo đó, trong những ngày qua, các ngành, các cấp đã khẩn trương triển khai các biện pháp.
Lấy mẫu giám sát virus cúm gia cầm tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn
Cụ thể như tại huyện Cao Lộc (địa bàn năm 2019 đã xuất hiện ổ bệnh trên đàn gia cầm), Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp phát hơn 700 lít thuốc cho các xã để tổ chức phun tiêu độc khử trùng những khu vực chăn nuôi trọng điểm, có số lượng gia cầm lớn. Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Tổng đàn gia cầm của huyện hiện có hơn 233 nghìn con, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian tới, phòng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tiếp tục cấp phát cho các xã thêm 500 lít thuốc để phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời tuyên truyền để bà con chăn nuôi chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Ngoài Cao Lộc, UBND các huyện và thành phố thời điểm này đều đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng đợt 1/2020. Đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở theo dõi sát sao tình hình chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cho đàn gia cầm.
Ông Dương Thế Anh, chủ trang trại gà ở thôn An Ninh 1, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Hiện trang trại của gia đình đang nuôi hơn 20 nghìn con gà. Ngay khi được khuyến cáo của chính quyền cơ sở, cán bộ thú y, tôi đã chủ động thực hiện phun khử trùng, tiêu độc và rắc vôi bột toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời mua vắc xin về tiêm phòng cho toàn bộ gia cầm trong trang trại.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 6/2 đến nay, Chi cục đã chuẩn bị khoảng 7.000 lít thuốc tiêu độc khử trùng để cấp phát cho các huyện và thành phố. Cùng đó, phối hợp với ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố và các chợ trung tâm huyện biên giới tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên gia cầm nhằm kịp thời phát hiện sự xâm nhập và lưu hành của virus cúm gia cầm. Đặc biệt là tổ chức giám sát và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại 3 huyện đã xuất hiện ổ bệnh trong năm 2019 (Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng).
Ngoài ngành nông nghiệp, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Ông Đặng Văn Ngọc, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hiện các lực lượng như: bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường đã tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Đồng thời phối hợp với cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch gia cầm đang bán tại các chợ và trên khâu lưu thông.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: qua lấy mẫu giám sát chủ động trong năm 2019, tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N6 trên địa bàn tỉnh là 1,5%. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm trên đàn gia cầm có thể xảy ra. Do đó, ngoài nỗ lực của chính quyền và các ngành thì thời điểm này, các chủ trang trại, gia trại và chủ hộ chăn nuôi gia cầm cần tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()