LSO-Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, năm 2011, ở tỉnh ta đã có 724 ca mắc bệnh chân- tay- miệng tại 90 xã của tất cả 11/11 huyện, thành phố. Tuy không có tử vong, song bệnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của học sinh và việc thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường. Từ đầu năm 2012 đến nay, bệnh chân- tay- miệng đã xuất hiện trở lại ở các huyện Bắc Sơn, Tràng Định với 5 ca mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi. Cô giáo trường Mầm non Hoa Đào, thị trấn Cao Lộc hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ănÔng Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết, bệnh chân- tay- miệng là bệnh do virut gây ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi và có thể xảy ra cả với người lớn; tuy vậy, thông thường trẻ em dưới 5 tuổi mắc nhiều nhất. Bệnh do vi rút đường ruột (EV) gây ra; khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt, đau họng và xuất hiện mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh...
LSO-Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, năm 2011, ở tỉnh ta đã có 724 ca mắc bệnh chân- tay- miệng tại 90 xã của tất cả 11/11 huyện, thành phố. Tuy không có tử vong, song bệnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của học sinh và việc thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường. Từ đầu năm 2012 đến nay, bệnh chân- tay- miệng đã xuất hiện trở lại ở các huyện Bắc Sơn, Tràng Định với 5 ca mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Cô giáo trường Mầm non Hoa Đào, thị trấn Cao Lộc hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn
Ông Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết, bệnh chân- tay- miệng là bệnh do virut gây ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi và có thể xảy ra cả với người lớn; tuy vậy, thông thường trẻ em dưới 5 tuổi mắc nhiều nhất. Bệnh do vi rút đường ruột (EV) gây ra; khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt, đau họng và xuất hiện mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và trẻ có thể hồi phục trong vòng từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… Đáng tiếc là ở Việt Nam, chủng EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh chân- tay- miệng. Cơ chế lây bệnh của bệnh này là từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vi rút tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt; dịch tiết từ các nốt phỏng bị vỡ; phân bệnh nhân hoặc người lành mang vi rút. Vi rút thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Với đặc điểm là vi rút bệnh chân- tay- miệng có thể tồn tại trong cơ thể đến một vài tuần sau khi người bệnh đã khỏi bệnh, gây nên sự lầm tưởng là bệnh đã khỏi và người nhà bệnh nhân hoặc người chăm sóc không áp dụng các biện pháp cách ly, do đó rất dễ lây sang người khác. Hiện do chưa có vacin phòng bệnh và thuốc chữa đặc hiệu, nên phòng bệnh vẫn là biện pháp chủ yếu. Vì vậy, sự phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng. Năm 2011, thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn với hơn 200 người tham gia gồm cán bộ phòng GD, Trung tâm y tế, cán bộ y tế xã và một số giáo viên các trường mầm non trên địa bàn tỉnh với nội dung bồi dưỡng kiến thức về bệnh, cách phòng chống bệnh chân- tay- miệng cho đội ngũ cán bộ giáo dục, gắn kết trách nhiệm và sự phối hợp giữa y tế cơ sở với trường học.
Bác sĩ Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập cho biết “Năm 2011, bệnh chân – tay – miệng xuất hiện tại 10/12 xã, thị trấn của huyện với 63 trường hợp mắc. Trung tâm một mặt chỉ đạo các trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản thực hiện phòng chống, mặt khác phối hợp với các đơn vị thông tin đại chúng phát trên loa truyền thanh, đài truyền hình về cách nhận biết, phòng chống; tổ chức lớp tập huấn cho khối điều trị về nội dung phòng chống, nên đã khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan. Các ca mắc được khám, chữa triệu chứng kịp thời, không để xảy ra tử vong”. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh những diễn biến nhanh của bệnh chân- tay- miệng ở các tỉnh phía nam, một số giáo viên và phụ huynh không khỏi hoang mang. Tính đến cuối học kỳ I năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 166 trường mầm non với 39.553 học sinh, trong đó có 165 trường tổ chức bán trú hoặc học 2 buổi/ ngày với 87% số trẻ. Do đó, công tác vệ sinh trường, lớp học, vệ sinh cho trẻ có ý nghĩa quyết định đến việc phòng và giảm thiểu bệnh chân – tay – miệng. Bộ Y tế đã khuyến cáo 8 biện pháp phòng chống, đặc biệt là cô và trò phải rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, nhất là trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; sàn lớp học phải được lau chùi sạch sẽ; đồ chơi, vật dụng được rửa hoặc lau bằng nước xà phòng hoặc thuốc sát trùng ít nhất 2 lần/ngày; không cho trẻ ăn chung thìa, bát; cô giáo nhất thiết phải có kiến thức về bệnh để phát hiện các triệu chứng để cách ly kịp thời.
Cô và trò lớp mầm non, Trường tiểu học xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình – Ảnh:T.L
Trong những năm gần đây, các nhà trường và cơ sở giáo dục mầm non ở tỉnh ta đã ngày càng khang trang, tỷ lệ nhà trường có nước sạch, khu vực rửa tay, khu xử lý chất thải riêng, hợp vệ sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ đáng kể trường mầm non thiếu đồng bộ, đặc biệt là nhiều trường mầm non thiếu nước sạch, khu vệ sinh, thiếu cán bộ y tế trường học, gây khó khăn trong công tác vệ sinh trường học nói chung và phòng chống bệnh chân – tay – miệng nói riêng.
Trần Kim
Ý kiến ()