Phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng
(LSO) – Trên thực tế, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em một phần xuất phát từ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Vì thế, các cấp, ngành đã nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao vị thế của phụ nữ trong cộng đồng.
Chú trọng tuyên truyền
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và bình đẳng giới (BĐG), đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban VSTBCPN các cấp, từ tỉnh đến 226 xã, phường, thị trấn.
Trong đó, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng với nhiều hình thức, hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào các đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ dân tộc, tôn giáo. Từ đầu năm 2018 đến nay, ban VSTBCPN các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã in, cấp phát hơn 2.000 cuốn sổ ghi chép thông tin gia đình; tuyên truyền trực quan trên 150 băng zôn, pa nô; tuyên truyền lưu động trên 100 lượt, thu hút hàng trăm nghìn lượt người nghe; tổ chức 335 buổi chiếu bóng lưu động phục vụ trên 30.000 lượt người…
Phần thi chào hỏi của CLB Phòng chống bạo lực gia đình huyện Bình Gia tại Hội thi tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tỉnh
Bà Lưu Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Sơn cho biết: Để đẩy lùi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để chị em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ý thức được trách nhiệm và vai trò của bản thân thông qua phong trào “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” bằng nhiều hình thức như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, giao lưu văn nghệ, thể thao, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB)…
Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác BĐG, đẩy lùi tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ”, đồng thời làm cho cộng đồng hiểu rõ việc thực hiện BĐG, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Truyền thông lồng ghép sinh hoạt CLB
Cùng với truyền thông thay đổi nhận thức, các cấp, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã tập trung triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới. Hiện nay, mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững được duy trì hoạt động hiệu quả tại 226/226 xã, phường, thị trấn. Các mô hình đã và đang đem lại kết quả đáng ghi nhận và được xem là một trong những giải pháp tích cực trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện BĐG và đẩy lùi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các thôn, bản, khối phố tuyên truyền lồng ghép được trên 1.082 cuộc, thu hút hơn 70.300 lượt người tham gia. Đặc biệt, để bảo vệ nạn nhân bạo lực là phụ nữ và trẻ em, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo xây dựng được 1.540 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ cho nạn nhân, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình.
Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng (thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình) có hai con gái. Anh Đăng chia sẻ: Sinh hai con gái, tôi cũng từng bị áp lực từ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, từ khi tham gia CLB gia đình hạnh phúc, tôi không còn cảm thấy nặng nề việc phải có con trai. Hai cô con gái của tôi đều chăm ngoan, học giỏi. Chúng tôi có điều kiện nuôi dạy con tốt và phát triển kinh tế gia đình.
Bà Trần Thị Sơn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban VSTBCPN tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm tuyên truyền, giáo dục về BĐG, đẩy lùi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nêu gương, nhân rộng điển hình trong thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các cấp hội phụ nữ nắm chắc quy trình can thiệp, hỗ trợ; tập trung tuyên truyền ở các địa bàn có nguy cơ cao; nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
MINH NGỌC – DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()