Phòng chống bạo lực gia đình: Lấy tuyên truyền làm trọng
– Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), thời gian qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó đã lấy tuyên truyền làm trọng.
Hằng năm Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên và ban chỉ đạo các huyện, thành phố tùy theo chức năng nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền về công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Cụ thể như: lồng ghép trong hội nghị; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan; cấp phát tài liệu; qua diễn đàn, hội thi… Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cấp phát trên 1.000 sổ thống kê các thông tin về gia đình và phòng, chống BLGĐ cho cơ sở; hơn 50.000 tờ rơi tuyên truyền về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; treo trên 300 băng rôn, cờ phướn tuyên truyền về các nội dung nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ về gia đình; tổ chức 18 hội nghị truyền thông tuyên truyền cho hơn 1.700 hội viên nông dân về phòng, chống BLGĐ…
Đội thi gửi thông điệp về phòng, chống BLGĐ trong Hội thi “Tìm hiểu kiến thức gia đình” tại huyện Cao Lộc
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Bà Lê Ngọc Thùy, Trưởng Ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết: Đa phần nạn nhận của BLGĐ là nữ giới, do đó hằng năm, các cấp hội đã đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Trong đó, chú trọng nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống BLGĐ; bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, chúng tôi cũng trang bị kỹ năng giải quyết, lên tiếng khi xảy ra BLGĐ cho hội viên. Từ lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, chúng tôi còn tổ chức các diễn đàn, giao lưu, tọa đàm liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ. Đơn cử trong tháng 6/2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình Tọa đàm “Vấn đề tiền hôn nhân, hạn chế tình trạng ly hôn sớm trong các gia đình trẻ hiện nay” có nội dung về nguyên nhân, giải pháp phòng, chống BLGĐ.
Không riêng Hội LHPN tỉnh, nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở cũng tổ chức các hình thức tuyên truyền phòng, chống BLGĐ sinh động. Tiêu biểu như trong năm 2022: Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện Cao Lộc tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức gia đình”; Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Tư pháp, Huyện đoàn Lộc Bình tổ chức diễn đàn “Nói không với định kiến giới và bạo lực gia đình; Ban Chỉ đạo công tác gia đình thành phố Lạng Sơn tổ chức chương trình biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc… Qua các hoạt động đã góp phần đổi mới hình thức tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, phòng, chống BLGĐ.
Chị Nông Thị Hằng, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Kéo Cọ, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình cho biết: Qua dự các buổi tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, tôi đã hiểu biết hơn. Không chỉ đánh đập mới là bạo lực mà sự xúc phạm về tinh thần cũng là một dạng BLGĐ. Từ đó, tôi chủ động lên tiếng, đưa ra ý kiến, chia sẻ công việc trong gia đình với chồng để thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực.
Cùng đó, tại cơ sở thường xuyên duy trì các mô hình hiệu quả về gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 600 CLB “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 20.000 hộ tham gia; hơn 600 nhóm, CLB phòng, chống BLGĐ với khoảng 30.000 thành viên; 1.204/1.705 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư… Bà Đặng Thị Hiệu, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống BLGĐ thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: CLB đã được thành lập từ năm 2015, thu hút hơn 30 thành viên tham gia. Chúng tôi duy trì sinh hoạt hằng quý, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội, họp nhóm. Tham gia sinh hoạt, các thành viên vừa được nghe tuyên truyền, vừa được tư vấn, chia sẻ kiến thức chăm sóc gia đình, con cái, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ửng xử trong quan hệ gia đình. Nhờ đó, 100% gia đình thành viên của CLB không xảy ra BLGĐ. Các thành viên cũng là tuyên truyền viên tích cực vận động người dân trong cộng đồng dân cư cùng chung tay phòng, chống BLGĐ.
Từ công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, giảm thiểu các vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL), năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 114 vụ BLGĐ (giảm 7 vụ so với năm 2020); 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra 28 vụ (giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Năm 2021, toàn tỉnh có 164.210/192.685 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 85% (tăng 4,2% so với năm 2020). Năm 2022, tổng số hộ đã đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 178.745/192.719 hộ, đạt 92,74%.
Ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, hướng dẫn các nội dung liên quan đến thực hiện Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/1/2022 của Bộ VHTT&DL về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về công tác này. Theo kế hoạch, hưởng ứng Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11/2022) tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và BLGĐ.
Ý kiến ()