Phòng, chống bạo lực gia đình: Hội phụ nữ phát huy vai trò
LSO - Phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ).
Phụ nữ Lộc Bình tham gia tập huấn Luật Hôn nhân và Gia đình
Coi trọng tuyên truyền
Bà Trần Thị Sơn Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hành vi BLGĐ là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình và trái với đạo lý truyền thống văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, các cấp hội đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp chị em xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Một trong những nguyên nhân chính của BLGĐ là bất bình đẳng giới, là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Vì thế, để phòng chống BLGĐ, cần phải giúp những người chồng, người vợ thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình. Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức tuyên truyền được 1.099 cuộc về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… thu hút 41.905 người tham gia. Cùng với đó, hội phụ nữ các cấp đã triển khai học tập nội dung gia đình chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hướng dẫn xây dựng chuẩn mực người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước… được 1.597 cuộc với 58.692 phụ nữ tham dự.
Nhân mô hình điểm
Đi đôi với tuyên truyền, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp chỉ đạo thành lập 1.422 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 636 mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”; CLB gia đình hạnh phúc… Từ năm 2012, Bằng Mạc là xã được huyện Chi Lăng chọn xây dựng mô hình điểm. Bà Dương Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là nơi để nạn nhân lánh nạn. Ở đây, chị em được động viên, chia sẻ và tư vấn những biện pháp phù hợp để phòng tránh tái diễn BLGĐ. Từ năm 2012 đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều xã khác. Số vụ BLGĐ ngày càng giảm. Năm 2014, cán bộ phụ nữ đã phối hợp hòa giải thành công 1 vụ ở thôn Nà Pe. Từ đầu năm đến nay, không có tình trạng BLGĐ xảy ra trên địa bàn.”
Nâng cao đời sống
Đôi khi BLGĐ còn có nguyên nhân từ những khó khăn về kinh tế. Vì thế, các cấp hội phụ nữ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các gia đình hội viên phát triển kinh tế như: vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách –Xã hội, các dự án của các tổ chức phi chính phủ, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo; tập huấn kỹ thuật; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Từ đầu năm 2015 đến nay, các cấp hội đã giải ngân trên 132 tỷ đồng cho 4.837 hộ vay, nâng tổng dư nợ lên gần 888 tỷ đồng. Đồng thời giúp đỡ 153 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ bằng nhiều hình thức như: ngày công, vốn, cây con giống, kinh nghiệm làm ăn… Nhờ đó, kinh tế gia đình hội viên ngày càng vững, đời sống được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 1.195 tổ tiết kiệm trên 14 tỷ đồng và vay vốn có số dư tiết kiệm với 31.666 hội viên tham gia gửi tiền.
Để phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong phòng chống BLGĐ, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ; chủ động chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng và duy trì các mô hình phù hợp điều kiện thực tế của gia đình, từng vùng, miền, nhằm góp phần xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Ngọc Hiếu
Ý kiến ()